Thời trang nhanh và những tác động đến môi trường - Bài 1: Thời trang nhanh: Sức hút - Tốc độ - Quá độ
Thời trang nhanh, một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, đã thay đổi cách mua sắm và tiêu dùng. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ sản xuất chóng mặt và sức hút không thể chối từ ấy là những vấn đề về môi trường, lao động và văn hóa tiêu dùng “mì ăn liền”.
Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên và tò mò về đường đi của các xu hướng thời trang mới nhất xuất hiện trên các sàn diễn lớn đến việc chúng có mặt tại các cửa hàng trên phố chỉ trong vài tuần. Đây chính là thành quả của ngành thời trang nhanh, một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la với sức ảnh hưởng to lớn trên toàn cầu.
Theo thống kê, ngành công nghiệp thời trang nhanh sản xuất hơn 100 tỷ sản phẩm may mặc, phục vụ cho hàng triệu người tiêu dùng mỗi năm. Con số này minh họa tốc độ và quy mô khổng lồ của thời trang nhanh, khi các thương hiệu lớn liên tục đưa ra những bộ sưu tập mới để đáp ứng nhu cầu và xu hướng thay đổi không ngừng.
Thời trang nhanh cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng mà mình mong muốn một cách có thể nói là “thần tốc” với giá thành phải chăng và hợp xu hướng. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó lại là hàng triệu tấn rác thải bởi quần áo thời trang nhanh thường có tuổi thọ ngắn, dễ bị bỏ đi chỉ sau một vài lần sử dụng và những điều kiện lao động thiếu an toàn. Vậy ngành thời trang nhanh đã phát triển như thế nào để trở thành một cỗ máy khổng lồ với hai mặt đối lập như vậy?
Thời trang nhanh và “miếng mồi béo bở” đối với người tiêu dùng
Ngành công nghiệp thời trang là một ngành công nghiệp toàn cầu với doanh thu lên đến 2,5 nghìn tỷ USD/năm, có quy mô rất lớn và tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong suốt lịch sử loài người, thời trang luôn có sức ảnh hưởng nhất định đến từng giai đoạn và cho đến ngày nay thời trang còn trả lời cho câu hỏi họ là ai và họ làm gì thông qua những gì họ mặc.
Thời trang nhanh thường được nhắc đến là thời trang ăn liền, dùng để chỉ những món đồ thời trang lấy ý tưởng từ những xu hướng thời trang mới, được sản xuất phong phú, đa dạng với tốc độ nhanh để chuyển tới các cửa hàng và bán cho người tiêu dùng trong thời gian ngắn, thường chỉ trong vài tuần thay vì vài tháng như quy trình truyền thống.
Thời trang nhanh không còn xa lạ với người tiêu dùng khi mà chúng còn "tiện, rẻ và bắt kịp xu hướng". Với thời đại công nghệ ngày nay cùng sự đa dạng của các sàn thương mại điện tử, 2 tiêu chí "tiện và rẻ" phát huy được tác dụng khi chỉ vài cú click chuột là có trong tay sản phẩm chỉ vài chục nghìn.
Đồng thời, xu hướng này đã tạo cơ hội cho nhiều đối tượng tiêu dùng, không chỉ phục vụ những người có thu nhập cao mà còn đáp ứng nhu cầu của đối tượng tiêu dùng đại chúng, từ học sinh, sinh viên đến những người có thu nhập trung bình.
Tại Việt Nam, thời trang nhanh đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, khi người trẻ dành nhiều thời gian để mua sắm quần áo giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử. Những chiếc áo với giá chỉ 50 nghìn VND hay những chiếc quần chỉ từ 100 nghìn VND luôn thu hút hàng chục nghìn lượt mua trên mạng.
Theo quan sát của phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, từ đầu năm 2024 đến nay, không những rẻ, đẹp mà thời trang nhanh còn vô cùng thời thượng và “bắt trend”. Các thương hiệu thời trang nhanh không chỉ ra mắt các bộ sưu tập theo mùa mà còn liên tục thay đổi, cập nhật sản phẩm mới trong suốt cả năm. Những thương hiệu này nắm bắt các xu hướng thời trang từ các sàn diễn lớn, mạng xã hội và văn hóa pop, rồi sao chép và sản xuất những mẫu mã tương tự trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ vài tuần.
Việc sản phẩm thay đổi nhanh chóng khiến người tiêu dùng cảm thấy cần phải mua ngay để không bỏ lỡ. Mẫu mã mới ra mắt rất nhanh và có thể "hết hàng" trong thời gian ngắn, tạo ra sự thúc đẩy nhu cầu mua sắm ngay lập tức.
Nhưng cái gì càng tiện, càng rẻ thì cũng có nghĩa việc vứt bỏ nó càng dễ dàng. Đây là lúc tiêu chí "bắt kịp xu hướng" của thời trang nhanh phát huy tác dụng, nó kích thích người tiêu dùng mua mới mà chẳng chút tiếc nuối gì.
Thời trang nhanh còn hấp dẫn người tiêu dùng khi giúp họ dễ dàng thay đổi phong cách cá nhân, thử nghiệm nhiều kiểu dáng và màu sắc mà không phải lo lắng về việc "lãng phí" tiền. Thời trang nhanh cung cấp rất nhiều lựa chọn từ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu đến phong cách, từ trang phục thường ngày đến trang phục dự tiệc. Điều này tạo cơ hội cho người tiêu dùng thể hiện cá tính và nhu cầu thay đổi phong cách liên tục.
Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang nhanh rất giỏi trong việc sử dụng chiến lược marketing, đặc biệt là qua các nền tảng truyền thông xã hội. Họ hợp tác với các influencer, người nổi tiếng và các blogger thời trang để quảng bá sản phẩm của mình, tạo sự hấp dẫn và uy tín.
Thời trang nhanh hiểu rõ tầm quan trọng của việc kết nối trực tiếp với khách hàng qua các mạng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook, hay YouTube. Các chiến dịch quảng cáo và hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên các nền tảng này, khiến người tiêu dùng cảm thấy gần gũi và dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm.
Hơn nữa, điều khiến thời trang nhanh “sống khỏe” suốt nhiều thập niên qua không chỉ vì sự tiện lợi mà chúng mang lại mà còn vì chúng nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng. Điều này được lý giải bởi mua sắm vốn là hoạt động trao đổi vốn có của xã hội. Mua sắm đồ thời trang lại càng không phải là một hoạt động cần có sự suy nghĩ kỹ lưỡng hay đầu tư lớn, mà thường là một thói quen dễ dàng, tức thời.
Với mức giá phải chăng và khả năng thay đổi thường xuyên, người tiêu dùng cảm thấy không có gì để mất khi mua thêm một vài món đồ mới. Điều này làm gia tăng tần suất mua sắm và thúc đẩy thị trường tiêu dùng thời trang nhanh.
Nếu như trước đây mua sắm quần áo từng được coi là một sự kiện, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm tối đa để mua quần áo mới vào những thời điểm nhất định trong năm. Thì giờ đây khi mua sắm trở thành một hình thức giải trí và quần áo trở nên rẻ hơn đồng nghĩa với việc quần áo sẽ được người tiêu dùng mua quanh năm suốt tháng. Tâm lý tiền ít – mua nhiều, nhu cầu chạy theo mốt nhanh chóng và để thỏa mãn những mong muốn tức thì đã hình thành xu hướng thời trang nhanh ở một bộ phận lớn người tiêu dùng ngày nay.
Từ sự khởi đầu khiêm tốn đến cơn sốt toàn cầu
Nói đến xu hướng thời trang nhanh với ngập tràn hình ảnh về các sản phẩm giá rẻ và hợp xu hướng nhanh chóng hiện lên trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thời trang nhanh từng có khởi đầu khiêm tốn, chỉ là những nỗ lực ban đầu nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Trước khi thời trang nhanh ra đời, vào thế kỷ XX, ngành công nghiệp thời trang chủ yếu tập trung vào các sản phẩm cao cấp, được thiết kế và sản xuất bởi các nhà mốt nổi tiếng. Những sản phẩm này thường có giá rất cao và chỉ dành cho một nhóm nhỏ người tiêu dùng có khả năng chi trả.
Trong giai đoạn này, việc sản xuất cũng theo xu hướng thời trang nhỏ lẻ và theo mùa, với các bộ sưu tập xuất hiện hai lần trong năm: xuân/hè và thu/đông là tiêu chuẩn. Các nhà thiết kế lớn phải chuẩn bị các bộ sưu tập một năm trước khi chúng được đưa ra thị trường.
Đến những năm 1960-1970, xu hướng thời trang nhanh bắt đầu nhen nhóm hình thành. Mặc dù khái niệm thời trang nhanh giai đoạn này chưa thực sự rõ ràng đánh dấu sự phát triển của thời trang đại chúng. Một số nhà sản xuất bắt đầu sản xuất các sản phẩm thời trang mang phong cách đường phố, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn với số đông người tiêu dùng.
Đồng thời, xu hướng thời trang giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng của văn hóa pop và phong trào thời trang. Sự xuất hiện của các phong trào văn hóa như mod và punk cùng với sự phát triển của các hình thức truyền thông đại chúng đã khiến nhu cầu về thời trang hợp xu hướng tăng cao. Người tiêu dùng muốn có những bộ trang phục hợp thời trang và đa dạng, nhưng với mức giá không quá đắt đỏ. Đây là bước đi đầu tiên trong việc sản xuất trang phục phổ biến và giá cả phải chăng.
Những năm 1990 – 2000 đã đánh dấu bước ngoặt lớn khi khái niệm "thời trang nhanh" thực sự bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ. Zara, một thương hiệu đến từ Tây Ban Nha, được xem là người tiên phong trong ngành thời trang nhanh. Được thành lập vào năm 1975, Zara đã thay đổi cách thức sản xuất và phân phối thời trang bằng việc rút ngắn thời gian từ thiết kế đến sản phẩm có mặt tại cửa hàng.
Trong khi các thương hiệu thời trang truyền thống mất vài tháng để hoàn thiện một bộ sưu tập, Zara có thể đưa các bộ sưu tập mới vào cửa hàng chỉ trong vòng 2-3 tuần. Sự nhanh chóng trong chu trình sản xuất, từ thiết kế đến phân phối, đã giúp Zara thu hút được số lượng lớn người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu chi phí sản xuất.
Hãng thời trang này đã bùng lên ngọn lửa đổi mới trong việc sản xuất thời trang. Hơn nữa, vào những năm 2000, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ. Người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm thời trang mới mỗi mùa, và họ sẵn sàng thay đổi tủ quần áo của mình thường xuyên hơn. Thời trang nhanh, với những bộ sưu tập mới liên tục được ra mắt, đáp ứng nhu cầu này của thị trường.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp thời trang nhanh bùng nổ chính là sự gia tăng mạnh mẽ của các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Các thương hiệu lớn đã mở rộng mạng lưới cửa hàng quốc tế một cách nhanh chóng, biến các sản phẩm của họ trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Cùng với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, các thương hiệu này còn tạo ra các kênh phân phối đa dạng và tiện lợi cho người tiêu dùng.
Từ năm 2010 đến nay, thời trang nhanh đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự kết hợp giữa công nghệ, marketing trực tuyến, chiến lược mở rộng toàn cầu và thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Các thương hiệu thời trang đã tiên phong trong việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử, cải tiến chuỗi cung ứng và ứng dụng dữ liệu lớn để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Các thương hiệu thời trang nhanh ngày nay đã tối ưu hóa chuỗi cung ứng và công nghệ sản xuất, khiến họ có thể giảm thiểu thời gian đưa sản phẩm từ thiết kế đến kệ hàng. Hệ thống phân phối của họ cực kỳ tinh gọn và hiệu quả, giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh. Sự kết hợp của tất cả những yếu tố này đã giúp thời trang nhanh trở thành một ngành công nghiệp có giá trị hàng tỷ đô la và có ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.
Thời trang nhanh đã đi qua một hành trình dài từ sự khởi đầu khiêm tốn với vài bộ sưu tập mỗi năm đến khi trở thành một cơn sốt toàn cầu, có khả năng đáp ứng mọi xu hướng ngay lập tức với mức giá phải chăng. Thành công của thời trang nhanh được xây dựng từ việc khai thác hiệu quả nguồn lao động giá rẻ, quy trình sản xuất tốc độ cao, và hệ thống phân phối rộng khắp, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận những mẫu mã mới mẻ với chi phí thấp. Tuy nhiên, chính những yếu tố này đã dẫn đến những thách thức nghiêm trọng về môi trường và đạo đức, khi các công ty đẩy mạnh sản xuất nhưng ít quan tâm đến các tác động lâu dài. Từ lượng rác thải khổng lồ đến việc gây ô nhiễm nguồn nước và tạo ra sự chênh lệch xã hội, thời trang nhanh giờ đây không chỉ đứng trước áp lực từ người tiêu dùng mà còn phải đối mặt với xu hướng bền vững đang ngày càng phát triển.
Là một người dành nhiều tâm huyết cho xu hướng thời trang bền vững, Nhà thiết kế thời trang Vũ Việt Hà - Giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, chuyên ngành thiết kế thời trang Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới, những nguyên liệu xanh thân thiện với môi trường đang được đặt lên hàng đầu cho tất cả các nhà mốt cũng như đơn vị về may mặc, thời trang. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn và để “tâm” nhiều hơn dành cho các vấn đề môi trường và chăm sóc sức khỏe con người. Mặc dù, chặng đường thay đổi từ trời trang nhanh đến thời trang bền vững không đơn giản là “chuyện một sớm một chiều” nhưng đó là những tín hiệu rất tích cực”.
Từ "tốc độ" tới "quá độ"
Với giá cả phải chăng và sự hài lòng ngay lập tức cho người tiêu dùng, thời trang nhanh đã “lên ngôi” ở thế kỷ 21. Từ đó mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp thời trang, trở thành thị trường có sức ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp này phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động tiêu cực của thời trang đến xã hội và môi trường.
Đã từ lâu thời trang nhanh bị chỉ trích vì nó khuyến khích thái độ vứt bỏ quần áo của người tiêu dùng. Với những chiếc quần áo giá chỉ từ 100 ngàn VND đến tay người mua, để có lợi nhuận thứ đầu tiên các thương hiệu thời trang nhanh hy sinh chính là độ bền bỉ. Chỉ mới giặt vài lần đã nhăn, co rúm ró, phai màu, mất phom dáng hay đơn giản mới mặc một. hai lần đã lỗi mốt. Đây là lý do khiến người tiêu dùng nhanh chán, nhìn chỉ muốn vứt đi.
Vậy vứt quần áo cũ đi đâu? Như nhiều gia đình ở Việt Nam sẽ dùng quần áo cũ để làm giẻ lau nhà nhưng so với chỗ quần áo bỏ đi thì cũng không nhằm nhò. Một giải pháp khác được nhiều người trên thế giới áp dụng là đem quần áo đi gửi từ thiện. Nghe thì rất hợp lý, mang đồ của người không cần đến cho người cần. Nhưng sự thật lại không phải như vậy…
Thời trang nhanh đã rơi vào tình trạng “quá độ” khi các thương hiệu không ngừng gia tăng sản xuất để theo kịp nhu cầu tiêu dùng. Mô hình kinh doanh của thời trang nhanh phụ thuộc vào việc tung ra hàng loạt sản phẩm mới mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày, để đáp ứng xu hướng liên tục thay đổi. Thay vì vài bộ sưu tập lớn trong một năm như trước đây, giờ đây các thương hiệu có thể sản xuất hàng nghìn mẫu mã khác nhau trong thời gian ngắn, khiến ngành công nghiệp này rơi vào tình trạng phát triển mất kiểm soát.
Tốc độ sản xuất và tiêu thụ chóng mặt của thời trang nhanh đã đẩy người tiêu dùng vào vòng xoáy “ngợp” trong các xu hướng không ngừng thay đổi. Với sự cám dỗ từ những bộ sưu tập mới xuất hiện liên tục, người tiêu dùng thường xuyên cảm thấy cần phải mua sắm để không bị “lỗi thời.” Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn: quần áo được mua, sử dụng rất ít lần và nhanh chóng bị bỏ đi để nhường chỗ cho những món đồ “hot” tiếp theo. Kết quả là, các bãi rác thời trang không ngừng gia tăng, vì phần lớn quần áo từ thời trang nhanh được làm từ chất liệu khó phân hủy, như polyester và nylon. Khi những món đồ cũ chưa kịp phân hủy thì quần áo mới đã lại tràn đến các bãi rác, tạo ra khối lượng rác thải khổng lồ và gây áp lực nghiêm trọng lên môi trường.
Theo báo cáo của The Ellen MacArthur Foundation, ngành công nghiệp thời trang thải bỏ khoảng 92 triệu tấn quần áo mỗi năm trên toàn cầu. Trong đó, một phần lớn là từ thời trang nhanh, khi những sản phẩm này được tiêu thụ và thay thế nhanh chóng.
Nhà thiết kế Lan Anh - Trưởng ngành thời trang Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), một trong những nhà thiết kế tiên phong phát triển theo xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam chia sẻ: Thời trang nhanh trở thành xu hướng thịnh hành vì đáp ứng được đa dạng các yêu cầu về: giá cả, mẫu mã, công nghệ… và yếu tố tiên quyết là tốc độ. Thêm vào đó, các chiến lược marketing sáng tạo và việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng đã giúp các thương hiệu thời trang nhanh tiếp cận thị trường rộng lớn và tạo ra thói quen mua sắm dễ dàng, thúc đẩy sự phát triển của ngành này.
"Tuy nhiên, “miếng bánh béo bở” luôn đi kèm nhiều rủi ro. Trong ngành thời trang nhanh, các nhà sản xuất tập trung vào số lượng và tốc độ sản xuất để nắm bắt xu hướng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng càng nhanh càng tốt. Việc chú trọng vào các mẫu mã “hot” và theo “trend” không chỉ giúp thương hiệu giữ vững vị trí trên thị trường mà còn tối ưu hóa lợi nhuận, bởi các sản phẩm “trendy” thường có sức hút mạnh và nhanh chóng được tiêu thụ. Chính sự ưu tiên về số lượng và tốc độ này đã đặt ra nhiều vấn đề về tuổi thọ sản phẩm, vòng đời của xu hướng, hàng loạt các hậu quả về môi trường hay nhân công lao động giá rẻ”, nhà thiết kế Lan Anh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thời trang nhanh đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, những tác động đến môi trường ngày càng trở nên rõ rệt và đáng lo ngại. Câu hỏi đặt ra là: liệu có thể dung hòa giữa nhu cầu thời trang liên tục và bảo vệ môi trường sống hay không? Giữa guồng quay sản xuất và tiêu thụ không ngừng, sự lựa chọn của mỗi cá nhân sẽ đóng vai trò quyết định cho hướng đi bền vững của ngành công nghiệp này. Việc tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu tác động của thời trang nhanh không chỉ là nhiệm vụ của các nhà sản xuất mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng người tiêu dùng, hướng đến một tương lai thời trang xanh và bền vững hơn.