Thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030

Thục Anh|05/11/2021 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đánh giá vai trò của đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh là một trong những nội dung tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.

Ngày 3/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo về “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”. Hội thảo này là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác Đức – Việt của “Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh” do GIZ thực hiện tại Việt Nam theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ).

Ảnh minh họa

Nội dung của nghiên cứu tập trung vào 2 khía cạnh gồm: Vai trò của đầu tư tư nhân trong hai lĩnh vực cụ thể là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối), và dịch vụ môi trường (cấp, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom, xử lý chất thải rắn, tái chế phế liệu và dịch vụ môi trường khác); chính sách huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, bao gồm các chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho năng lượng tái tạo, thu gom và xử lý, tái chế chất thải rắn, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, TS Hồ Công Hòa đã nêu lên một số phát hiện chính, trong đó khẳng định, vai trò của doanh nghiệp ngoài nhà nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh ngày càng quan trọng, lớn về số lượng, nhưng quy mô còn rất khiêm tốn. Giai đoạn 2010-2019 số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn. Tuy nhiên, doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước không tương xứng với số lượng doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cũng theo nhóm nghiên cứu, để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nói chung, lĩnh vực năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường nói riêng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tác trong vấn đề nóng lên toàn cầu và ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Điều cần thiết là tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và làm rõ các chính sách của nhà nước đối với thu hút và nâng cao vai trò của tư nhân với tăng trưởng xanh.

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao rằng, cần thiết phải đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm của Đảng về các định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tư nhân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế. Áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế các-bon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai; thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Thục Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thu hút đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.