Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tại các cuộc họp trước, chúng ta đã quán triệt các nội dung liên quan lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp… Trên cơ sở tài liệu đã có, chúng ta tập trung thảo luận đánh giá lại từ phiên họp thứ 2 đến giờ đã làm được gì, chưa làm được gì, cái gì cần rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, tháo gỡ những khó khăn, những cơ chế, chính sách pháp luật tạo thuận lợi thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Chống biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.
Phiên họp này, chúng ta cũng xem xét cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác tiết kiệm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo đối với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tới đây. Các tổ chức quốc tế muốn tổ chức đối thoại Việt Nam để bàn việc triển khai chống biến đổi khí hậu nói chung và tinh thần cam kết tại COP26.
Đây là hội nghị quan trọng để tăng cường nhận thức, thống nhất hành động, nhất là với các đối tác quốc tế để chúng ta có nhận thức tổng thể, khách quan liên quan thực hiện chương trình công tác, đặc biệt thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các vấn đề liên quan phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, liên quan giảm phát thải methane, phát triển rừng… đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương phải làm những gì để thực hiện. Chúng ta cũng cho các nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các nước đối tác. Chúng ta đang là nước đang phát triển phải thực hiện như các nước phát triển. Do đó, phải đề nghị các đối tác dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp một nước đang phát triển, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị. Chúng ta đưa ra nguyên tắc chung đó để bàn bạc với các đối tác quốc tế.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là đưa ra giải pháp, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện, tránh tình trạng “họp xong để đó”; sau mỗi phiên họp phải đánh giá được kết quả thực hiện của phiên họp trước, đề ra nội dung cho phiên họp tới. Vừa có vấn đề trước mắt hằng quý, hằng tháng, vừa có vấn đề dài hạn 5 năm, vì công việc này không phải chỉ làm trong vài năm mà phải có chiến lược đến 2050, nhưng trong từng năm, trong 5 năm phải đề ra mục tiêu cụ thể hoàn thành nhiệm vụ gì… để từ đó chúng ta thực hiện lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả.
Đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó từng bộ, ngành, từng cấp theo chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện thành công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực tiễn xuất hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn. Tinh thần phải hết sức bám sát công việc, có cơ quan theo dõi, đôn đốc; đổi mới, cải cách hành chính, chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương thì một việc quan trọng nữa là chúng ta phải đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo cách đây 5 tháng, các thành viên Ban Chỉ đạo rất chủ động thực hiện công việc được phân công. Các bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng, từ rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch đến xây dựng các chương trình hành động.
Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030. Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".
Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khi nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…