Thời gian qua, tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang. Nhằm đối phó với tình trạng trên, Tiền Giang đang không ngừng triển khai các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và mùa vụ cây trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai vùng khó khăn, các huyện duyên hải Gò Công gồm Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công phát huy tiềm năng và thế mạnh trồng rau màu, tạo nguồn nông sản hàng hóa cung ứng thị trường, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.
Người dân Tiền Giang kiểm tra, chăm sóc mít. Ảnh Minh Đảm
Từ đầu năm đến nay, toàn vùng đã gieo trồng được trên 11.500 ha rau màu các loại. Nông dân địa phương thu hoạch đạt sản lượng gần 200.000 tấn rau màu hàng hóa.
Từ nay đến cuối năm, các địa phương vùng duyên hải Gò Công tiếp tục gieo trồng thêm trên 16.500 ha rau màu các loại, nâng tổng diện tích màu cả năm toàn vùng lên trên 28.000 ha và sản lượng khoảng 532.000 tấn sản phẩm.
Qua khảo sát, nông dân trồng rau màu thu lợi nhuận từ 33 triệu đồng đến gần 130 triệu đồng/ha tùy theo loại rau màu, gấp 1,1 đến 4,1 lần so với trồng lúa năng suất cao.
Đây là một trong những nhân tố thuận lợi để các huyện, thị duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh phát huy tiềm năng và thế mạnh cây màu, hình thành các vùng sản xuất tập trung lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo an sinh xã hội địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi diện tích đất lúa sang cây lâu năm cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Tính từ 2017 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 12.980 ha lúa chuyển sang trồng cây lâu năm mà chủ yếu là cây ăn trái. Các loại cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao được người dân ưu tiên lựa chọn để thay thế cây lúa gồm cây mít, thanh long, sầu riêng.
Chuyển đổi sang trồng mít, người dân có thu nhập từ 300 – 600 triệu đồng/ha. Thanh long ruột đỏ có thu nhập từ 800 – 850 triệu đồng/ha. Thanh long ruột trắng 200 – 300 triệu đồng/ha. Bưởi da xanh cho thu nhập từ 400 – 700 triệu đồng/ha.
Riêng cây sầu riêng chưa cho trái ổn định nên ngành chức năng chưa đánh giá hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, những mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hầu hết cho thu nhập rất cao, từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng mới chính sách hỗ trợ cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng ưu tiên hỗ trợ giống cây trồng; hỗ trợ cơ giới hóa phục vụ chuyển đổi với quy mô lớn. Hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ lãi suất vay thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng chuyển đổi. Về tổ chức sản xuất, phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian, từng bước gắn kết nông dân trong vùng liên kết với nhau thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ để tập hợp sản phẩm với sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp.
Hoàng Anh