Tiếp tục xử phạt 12 cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh gây ô nhiễm môi trường

Hoàng Thơ |27/11/2024 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, đến nay, Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt 43 cơ sở tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với tổng số tiền phạt gần 21,4 tỷ đồng.

Ngày 26/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký, ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng đối với các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong).

Các cơ sở sản xuất bị xử phạt, gồm: Hộ bà Mẫn Thị Chiên, Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Văn Tiến, Hà Thị Dung, Mẫn Văn Cường, Mẫn Thị Bằng, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Sơn, Mẫn Thị Phương, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Văn Thăng và Nguyễn Thị Minh.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh xác định, vi phạm chủ yếu của các cơ sở này gồm: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; không có giấy phép môi trường; không có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ; không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; không lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn; không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình theo quy định… Tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.

2.jpg
Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại Văn Môn

Đồng thời, các cơ sở bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường 4 tháng 15 ngày; buộc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định; thực hiện phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm... Thời hạn khắc phục hậu quả 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt 43 cơ sở tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, tổng số tiền phạt gần 21,4 tỷ đồng, quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại đây.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về dừng hoạt động các cơ sở, hộ gia đình tái chế kim loại vi phạm các quy định của pháp luật tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong), trong ngày 26/11, đã có 25 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại, nâng tổng số 57 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại. Cơ bản các hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá đã cam kết tự nguyện dừng hoạt động.

Với quan điểm nhất quán “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 - 2025, lấy chủ đề năm 2019 là “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” và thực hiện liên tục các năm tiếp theo. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có làng nghề trên địa bàn phải xây dựng Đề án, kế hoạch và lộ trình của thể để xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp này. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng; trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy định liên quan.

ccn-bac-ninh-11.jpg
Cơ sở sản xuất trong CCN Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh) tự nguyện phá dỡ lò đốt

Trực tiếp kiểm tra tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định quan điểm kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường; không thể vì một bộ phận nhỏ mà để ảnh hưởng tới sự phát triển chung của tỉnh. Tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch kiểm tra của UBND tỉnh; kiện toàn hồ sơ để xử lý vi phạm với Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở sản xuất, đồng thời có các hình thức phạt bổ sung.

"Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá chỉ được hoạt động trở lại sau khi khắc phục các vi phạm, trường hợp không khắc phục sẽ dừng hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó vận động các hộ sản xuất trong làng nghề tự dừng sản xuất khi không đủ điều kiện, kiên quyết xử lý hành vi chống đối. Đến ngày 31/12/2024, tất cả cơ sở sản xuất, cô đúc, tái chế trong khu dân cư vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn điện phải dừng hoạt động", ông Tuấn nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tiếp tục xử phạt 12 cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.