TP.HCM quyết liệt chuyển hóa “điểm đen” môi trường thành không gian xanh, sạch, thân thiện
TP.HCM đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường, trong đó chú trọng việc chuyển đổi những điểm ô nhiễm thành các công trình xanh, sạch, đẹp hoặc không gian sinh hoạt cộng đồng. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được thành phố kiên trì thực hiện nhằm xây dựng đô thị văn minh và phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thời gian qua, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong khuôn khổ xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề đã được đầu tư hoàn thiện. Đồng thời, hạ tầng phục vụ các khu trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được quy hoạch bài bản.

Tình trạng vệ sinh môi trường trên toàn thành phố có nhiều cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường được hình thành và nhân rộng, phát huy hiệu quả thiết thực. Các “điểm đen” về rác thải cùng với phản ánh từ người dân đều được chính quyền địa phương quan tâm xử lý kịp thời.
Về xử lý nước thải nông thôn, TP.HCM hiện có 144 điểm dân cư mà tại đó nước thải sinh hoạt được xử lý tại chỗ bằng bể tự hoại. 100% hộ dân tại các điểm dân cư này đều có thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Công tác chỉnh trang cảnh quan và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được đẩy mạnh. Thành phố đã triển khai 4 đề án cải tạo cảnh quan ao hồ, bảo vệ chất lượng nước trên diện tích hơn 73.000 m² mặt nước. Gần 239.000 km đường đã được trồng hoa, cây xanh; hơn 35.000 km đường được lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Riêng huyện Nhà Bè đã nạo vét 18 tuyến kênh mương với tổng chiều dài gần 10 km.
Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030, đồng thời triển khai các giải pháp theo chương trình đô thị văn minh. Thành phố đặc biệt chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường đã đạt, gắn với Chỉ thị số 19 của Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch”.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn chất thải phát sinh trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Việc chuyển hóa điểm ô nhiễm thành công trình xanh sẽ được tiến hành thường xuyên, đi đôi với việc phát huy các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng.