TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp để giảm khai thác nước ngầm

Hoàng Anh|19/08/2022 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất đến cuối năm 2023 với tổng lưu lượng khai thác còn 150.000 m3/ngày; đến cuối năm 2025 còn 100.000 m3/ngày.

Thống kê trên địa bàn TP.HCM có khoảng 110.000 giếng khoan khai thác nước ngầm. Tổng khối lượng nước ngầm đang được khai thác hơn 710.000m3 mỗi ngày.

Hiện nay còn rất nhiều hộ dân sử dụng song song nước máy và nguồn nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không chỉ diễn ra trong các hộ gia đình, mà còn ở các hộ kinh doanh và trong các khu công nghiệp.

khai-thac-nuoc-ngam.jpg
Ảnh minh họa

Khai thác và sử dụng triệt để một thời gian dài dẫn đến việc nước ngầm đang cạn kiệt dần. Vấn đề này diễn ra nhiều nhất ở các quận huyện ngoại thành như Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường. Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và môi trường đã ban hành nhiều giải pháp để hạn chế.

Nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, TP.HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2022 giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46% và duy trì tỉ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Ngoài ra, TP sẽ tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước.

Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương cũng như những đơn vị có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân TP, tổng công ty luôn đẩy mạnh công tác phát triển mạnh cấp 1, 2, 3 và gắn mới đồng hồ nước cho khách hàng. Bên cạnh đó, Sawaco thực hiện tốt công tác điều tiết phân vùng phục vụ, đảm bảo phục vụ cấp nước ổn định áp lực và chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Tổng giám đốc Sawaco, nói: “Hiện tại Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục. Công ty sẽ nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5%”.

Theo đại diện UBND huyện Hóc Môn, trong thời gian qua, UBND huyện cũng đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Cấp nước Trung An trong việc phát triển cấp nước đến từng hộ, vận chuyển nước đến các bồn tập trung, cũng như lắp đặt đồng hồ tổng để các hộ dân sử dụng nước sạch.

Trong khi Sở TN&MT TP.HCM, TP.HCM đặt mục tiêu đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất phải gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Hằng năm Sở TN&MT đều phối hợp với các địa phương để rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt. Sở này cho biết qua rà soát cho thấy số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp để giảm khai thác nước ngầm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.