TS Nguyễn Linh Ngọc: Cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước

Thu Hà|29/10/2021 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với TS Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, lượng nước mặt bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 2.830 m3/người/năm, thiếu so tiêu chuẩn thế giới là 4.000 m3/người/năm. Và nếu không có những chính sách hữu hiệu trong vòng 50 năm nữa, Việt Nam sẽ bị thiếu nước trầm trọng. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng và kéo theo hàng loạt hệ lụy khác.

PV: Ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang là thực tế ở nhiều nơi. Theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

TS. Nguyễn Linh Ngọc: Trái Đất được bao phủ bởi 70% diện tích nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của Thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng. Lượng nước trên Thế giới được sử dụng cho nông nghiệp hơn 70%, công nghiệp gần 22% và phục vụ sinh hoạt 8%. Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500 – 800 lít/ngày, các nước đang phát triển là 60 – 150 lít/người/ngày.

Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Hiện nay, phần lớn con người đang tận dụng nguồn nước ngầm sẵn có mà không ý thức được rằng nguồn tài nguyên này đang bị khai thác quá tải và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trong khi lượng nước ngầm dự trữ có thể dùng được không nhiều thì con người lại gây lãng phí tới 30%, kéo theo nguy cơ khan hiếm nguồn nước lại càng lớn. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, trong 37 tầng ngậm nước lớn nhất trái đất, 8 nguồn nước bị đánh giá là hoạt động quá công suất và hầu hết không hề có lượng nước tự nhiên bù đắp. Ngoài ra, 5 tầng ngậm nước khác cũng đang bị khai thác quá tải nghiêm trọng.

Việt Nam là một trong số những nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu; mức độ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang trong tình trạng báo động. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, những hệ lụy về thiếu nước sạch đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, cụ thể: Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoang, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước; lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; mỗi ngày cả nước khai thác hàng triệu m³ nước ngầm cung cấp cho hơn 300 nhà máy nước khai thác thành nước sinh hoạt, nhưng nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa…

Tình trạng ô nhiễm và khan hiếm môi trường nước, ngoài những nguyên nhân khách quan do yếu tố tự nhiên gây ra và nhu cầu sản xuất, đời sống ngày càng cao, thì nguyên nhân chủ yếu là do: Sự hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng; việc các chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch và không có kế hoạch bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước; quyền hạn pháp lí của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh; các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng vẫn mang tính hình thức; công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập, mang tính thủ tục; công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường còn hạn chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn thấp; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn…

PV: Thực tế, sự phân bố nguồn nước không đồng đều trên cả nước đã dẫn đến tình trạng thiếu nước theo mùa ở nhiều nơi. Theo ông, cần có kịch bản cụ thể nào cho từng vùng trong trường hợp thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất?

TS Nguyễn Linh Ngọc: Việt Nam là một đất nước trải dài, hẹp ngang, độ dốc từ Tây sang Đông, có những vùng lại thuộc nhiệt đới khô… nên nguồn nước ở từng vùng, từng diện tích, từng khu vực có sự phân bổ khác nhau. Cụ thể, vùng cao như Hà Giang thiếu nước cũng là một vấn đề do yếu tố địa hình. Phía đồng bằng, nhiều nước hơn nhưng lại tập trung dân cư nhiều hơn, ô nhiễm nhiều hơn. Ở phía Nam có đới khí hậu khô, bản chất đã thiếu nước, đồng bằng sông Cửu Long cũng xâm ngập mặn… Như vậy, thực chất Việt Nam rất thiếu nước chứ không phải nhiều nước như mọi người vẫn nghĩ.

Người dân xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bên bể nước sạch.

Để bảo quản nguồn nước tốt, mỗi vùng cần có một giải pháp cụ thể. Ngoài nước tự nhiên, nước chảy tràn, nguyên tắc chúng ta phải giữ được nước, đến mùa cạn phải tái sử dụng được. Để làm được điều này, chúng ta cần phải tăng cường công tác điều tra cơ bản (địa chất thủy văn) để đưa ra nguồn nước nhân tạo ra sử dụng. Bên cạnh đó, chúng ta phải chia ra các vùng bởi không phải vùng nào cũng đều có một chiến lược, mà mỗi vùng phải có chế độ sử dụng nước khác nhau. Ví dụ như ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, thì chúng ta phải có chiến lược riêng; hay đồng bằng vùng Ninh Thuận, Bình Thuận – một vùng đới khô sa mạc thì các nhà khoa học phải vào cuộc nghiên cứu xem vùng này cây trồng gì phù hợp để có thể giúp bảo quản, bảo tồn nguồn nước, có thể tái sử dụng nước vào mùa khô như thế nào.

Tương tự, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy, hàng năm  xảy ra tình trạng nước xâm ngập mặn, vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể sử dụng nguồn nước mặn đó hay không? Có nên đắp đê để ngăn xâm mặn không? Tôi cho rằng, không thể đắp đê mãi được mà phải có biện pháp thay đổi cây trồng vật nuôi. Nguồn nước ở đây cũng phải nghiên cứu để có giải pháp. Để sử dụng và bảo đảm quản lý nguồn nước an toàn, hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên phân loại, phân vùng khác nhau để đưa ra các đề án để bảo vệ, bảo quản nguồn nước.

PV: Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là các quy định pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo: Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Vậy, ông có ý kiến gì về hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch, chất lượng nước sạch không?

TS Nguyễn Linh Ngọc: Luật Tài nguyên nước năm 2012 là bước ngoặt cho công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy vậy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện thì một số vấn đề bất cập đã nảy sinh. Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần thống nhất là giao cho đầu mối quản lý cụ thể, mặc dù Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản về tài nguyên nước, nhưng về thủy lợi lại thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình thủy điện trên sông suối lại thuộc Bộ Công thương…

Trong Luật Tài nguyên nước, đã đặt ra vấn đề quản lý nước theo lưu vực nhưng chưa thực sự hiệu quả. Tôi đề nghị trong quá trình sửa luật, cần đưa cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội các khu vực đó để bảo vệ nguồn nước cho hiệu quả. Trong những năm qua, phong trào nông thôn mới rất thành công, chúng ta cần sử dụng mô hình bảo vệ quản lý nguồn nước như phong trào xây dựng nông thôn mới để cộng đồng dân cư tự bảo vệ lưu vực nguồn nước. Khi người dân tham gia giám sát, nêu cao trách nhiệm cộng đồng thì việc quản lý sẽ hiệu quả và thực chất hơn.

Về vấn đề cấp nước, tôi cho rằng cần tư nhân hóa, xã hội hóa, bởi Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Các doanh nghiệp xã hội hóa có nguồn thu, có sự chủ động hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TS Nguyễn Linh Ngọc: Cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước