Ứng phó bão số 10, Quảng Nam sơ tán dân ở những điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất

Minh Hồng|03/11/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Quảng Nam yêu cầu gấp rút sơ tán dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trước 11h ngày 4/11 để phòng, chống bão số 10 (Goni).

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ ngày 4/11 đến ngày 6/11 các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 150 – 250mm, có nơi trên 350mm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các địa phương trực thuộc kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hoàn thành trước 11 giờ ngày 4/11. Đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.

Các đơn vị chức năng tiến hành rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân khỏi các nơi nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng mưa bão.

Nhiều huyện miền núi ở Quảng Nam được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 16 giờ ngày 4/11.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; yêu cầu nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 – 10 ngày.

Phát huy phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn.

Minh Hồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó bão số 10, Quảng Nam sơ tán dân ở những điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất