Vấn đề xử lý nước thải đô thị (Bài 2): Giải pháp và định hướng

Nam Anh|07/10/2022 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nước thải đô thị là một trong những nguồn nước thải có khối lượng thải ra môi trường rất lớn hiện nay. Được sinh ra từ các hoạt động đời sống đô thị hàng ngày. Trong nước thải có chứa nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của cư dân. Chính vì thế mà việc xử lý nước thải đô thị rất quan trọng, đòi hỏi cần có các giải pháp ngắn và dài hạn.

xu-ly-nuoc-thai-do-thi-4.jpg
Xử lý nước thải đô thị cần các giải pháp ngắn và dài hạn

Giải pháp và định hướng

Trong ngắn hạn, chuẩn bị và có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập. Phối hợp và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng.

Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước đạt năng lực thoát nước 100%. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về đổ chất thải đúng quy định, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm gây cản trở dòng chảy đối với các công trình thu gom thoát nước.

Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước. Tại các vị trí ngập úng, tăng cường lắp bơm di động để giảm thiểu mức độ và thời gian úng ngập.

Công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương theo quy định tại khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.

Về lâu dài, quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ. Các đô thị cần phải xác định cao độ nền khống chế cho toàn đô thị. Rà soát điều chỉnh quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước, điều hòa và phòng chống ngập úng.

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thoát nước. Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm ngập úng cục bộ lớn hiện nay như xây dựng bể chứa lưu trữ, trạm bơm.

Tăng cường các giải pháp thi công, tăng diện tích và dung tích chứa nước, điều hòa, hạn chế việc cống hóa các dòng sông, suối, kênh, mương trong đô thị, giảm thiểu ngập úng, ứng phó với BĐKH.

Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.

Bám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp.

xu-ly-nuoc-thai-do-thi-5.jpg
Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, đảm bảo mỹ quan, chất lượng môi trường nước

Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước.

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Bộ Xây dựng được giao phối hợp với các địa phương có vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, BĐKH.

Định hướng chính sách về thoát nước và xử lý nước thải là phát triển hệ thống thoát nước bền vững các khu đô thị, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng; Bảo tồn chất lượng nước của các nguồn nước công cộng; Mở rộng hệ thống thoát nước theo quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước đáp ứng phát triển đô thị bền vững và kiểm soát ô nhiễm nước; Khuyến khích tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác nhau nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, chống ngập úng đô thị; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải đáp ứng chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Từ đó, định hướng chính sách về thoát nước và xử lý nước thải trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước: Về quy hoạch lưu vực tổng thể hệ thống thoát nước, các vấn đề đặt ra trong Quy hoạch thoát nước như quy hoạch công trình thoát nước mặt, nước thải và nhà máy xử lý nước thải; Nghĩa vụ lập quy hoạch thoát nước tổng thể để cải thiện chất lượng nước các nguồn nước công cộng; Định hướng và quy hoạch thoát nước được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển thoát nước.

Về xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, chính quyền địa phương là chủ sở hữu, chủ đầu tư thực hiện dự án; Chính phủ hỗ trợ cho chính quyền địa phương xây dựng hệ thống thoát nước; Kế hoạch địa phương cho phát triển thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước, hộ thoát nước buộc phải sử dụng hệ thống thoát nước trong các khu vực có hệ thống thoát nước (lắp đặt công trình thoát nước vào hệ thống thoát nước công cộng).

Về quản lý, vận hành, bảo đảm tài chính cũng như hiệu quả quản lý thoát nước, chính quyền địa phương là chủ sở hữu, chủ đầu tư thực hiện dự án; Kế hoạch địa phương cho phát triển thoát nước, quản trị hệ thống thoát nước; Kiểm soát ô nhiễm, quy định xả nước thải đã qua xử lý; ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư hệ thống thoát nước, nguồn lực đầu tư, quản lý vận hành hệ thống thoát nước; giá dịch vụ thoát nước; Vai trò quản lý nhà nước về dịch vụ thoát nước từ trung ương đến địa phương, phân công trách nhiệm quản lý cho bộ ngành, trách nhiệm của UBND tỉnh về tổ chức quản lý, đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn.

Kỳ vọng, việc xây dựng và ban hành Luật Cấp thoát nước sẽ tạo dựng công cụ pháp lý để quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

xu-ly-nuoc-thai-do-thi-6.jpg
Xử lý nước thải đô thị bao gồm 2 phần chính đó là làm sạch nước thải và xử lý bùn cặn phát sinh

Đặc điểm và quá trình xử lý nước thải đô thị

Nước thải từ các đối tượng dùng nước trong đô thị cụ thể là khu dân cư, nước thải y tế, nước thải các cơ sở sản xuất công nghiệp được thu gom và xử lý. XLNT là quá trình tách các tạp chất trước khi xả vào nguồn tiếp nhận đảm bảo các tiêu chuẩn, qui chuẩn của cơ quan quản lý. Mục tiêu của XLNT là loại bỏ các tác nhận gây ô nhiễm có trong nước thải và ngăn chặn ô nhiễm nguồn tiếp nhân cũng như ô nhiễm đất. Để lựa chọn các phương pháp XLNT hợp lý cần dựa vào nguồn thải, nguồn tiếp nhận để tìm ra mức độ xử lý cần thiết, phương pháp xử lý, biện pháp và dây chuyền công nghệ.

Những thông tin về nguồn thải là lưu lượng, chế độ thải, tính chất và thành phần tạp chất. Còn đối với nguồn tiếp nhận cần biết mục đích sử dụng qui chuẩn cho phép và tiêu chuẩn xả thải. Việc lựa chọn dây chuyền công nghệ xử lý hợp lý có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả đầu tư.

Sau khi xử lý sơ bộ tại chỗ thì nước thải được đưa đến trạm XLNT đô thị tập trung; tại đây nước thải được xử lý 2 bậc hoặc 3 bậc phụ thuộc vào yêu cầu của nguồn tiếp nhận và thành phần chất bẩn trong nguồn thải. Trong công đoạn XLNT còn có quá trình tự làm sạch của nguồn nước.

Xử lý bậc hai: Thường là xử lý bằng phương pháp sinh học. Giai đoạn xử lý này được xác định trên cơ sở tình trạng sử dụng và quá trình tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận nước thải. Trong bước này, chủ yếu là xử lý các chất hữu cơ dễ oxy hóa sinh học để khi xả ra nguồn nước thải không gây thiếu hụt oxy và mùi hôi thối.

Xử lý bậc ba hay xử lý triệt để: Loại bỏ các chất có chứa nitơ, photpho ra khỏi nước. Giai đoạn này rất có ý nghĩa đối với các nước khí hậu nhiệt đới, nơi mà quá trình phú dưỡng ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng nước mặt.

Trong nội dung xử lý nước thải đô thị bao gồm 2 phần chính đó là làm sạch nước thải và xử lý bùn cặn phát sinh trong quá trình làm sạch nước thải.

Bùn thải tách ra trong quá trình xử lý ba bậc trên cần phải được xử lý. Các chất không hòa tan như rác, cát, cặn lắng, dầu mỡ,… các loại cát được phơi khô và đổ san nền; rác được nghiền nhỏ hoặc vận chuyển về bãi chôn lấp rác. Cặn lắng hay cặn sơ cấp được giữ lại trong các bể lắng đợt một có hàm lượng hữu cơ lớn được kết hợp bùn thứ cấp hình thành trong quá trình xử lý sinh học nước thải, xử lý theo các bước tách nước sơ bộ, ổn định sinh học trong điều kiện yếm khí hoặc hiếu khí làm khô. Bùn cặn sau khi xử lý có thể làm phân bón.

xu-ly-nuoc-thai-do-thi-7.jpg
Các cống xả nước thải nên là cống xả phân tán

Quy trình công nghệ đề xuất hầu hết tại các nhà máy XLNT đô thị một cách tổng quát như sau: Nước thải được đưa về trạm bơm qua song chắn rác để loại rác có kích thước lớn rồi bơm qua bể lắng cát. Nước thải từ bể lắng cát đưa vào bể điều hòa và qua hệ thống xử lý chính áp dụng công nghệ sinh học, có thể là: bể UASB, Aeroten, hồ sinh học, Lọc sinh học, SBR, mương oxy hóa,… tiếp theo qua bể lắng thu bùn sinh học. Nước sau xử lý được qua khử trùng, dẫn về hồ hoàn thiện để kiểm soát các thành phần ô nhiễm trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Hồ hoàn thiện còn đóng vai trò như hồ đệm, chứa nước tạm thời trong trường hợp XLNT ven biển với mực nước biển dâng cao. Bùn từ công đoạn xử lý sinh học được đưa qua bể nén bùn và thiết bị làm khô bùn. Mùi hôi phát sinh từ hệ thống sinh học và xử lý bùn cũng được thu gom và xử lý bằng các phương pháp sinh học hoặc hóa lý.

Hồ hoàn thiện mang tính đệm, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, được xây dựng tại một số nhà máy xử lý nước thải như: Bắc Ninh, Nhơn Bình,...

Trong xử lý nước thải, cần lựa chọn ứng dụng các phương pháp xử lý riêng phù hợp đối với từng thành phần chất ô nhiễm trong nước thải. Các phương pháp có thể được phân loại theo các mức độ xử lý khác nhau như trong Bảng 1.

Các công trình xử lý cơ học bao gồm: Song chắn rác, bể lắng cát, bể lắng trọng lực (lắng 1). Đây là các công trình cần thiết cho mọi dây chuyền công nghệ XLNT đô thị hiện nay.

Ngoài ra, còn các công trình xử lý bậc 1 kết hợp xử lý bùn cặn như: bể tự hoại, bể lắng hai vỏ, bể lắng trong thổi khí tự nhiên kết hợp ngăn ủ bùn. Tuy nhiên loại này thích hợp xử lý tại chỗ.

Các công trình xử lý bậc 2 hoặc bậc 3 là các công trình xử lý sinh học trong chế độ tự nhiên hay nhân tạo, theo nguyên lý bùn hoạt tính hay nguyên lý lọc và dính bám của sinh vật, có khử chất dinh dưỡng hay không. Vì các trạm XLNT gần với khu dân cư nên mùi hôi cũng phải được thu gom xử lý sau đó xả ra môi trường bên ngoài. Nước thải sau quá trình làm sạch được khử trùng và xả ra ngoài.

Các cống xả nước thải nên là cống xả phân tán vì khi xả phân tán thì lưu lượng sẽ được chia nhỏ, giảm mức độ ô nhiễm cục bộ. Trong trường hợp xả vào nguồn tĩnh (hồ hoặc biển) thì nước thải sau xử lý phải xả ra bờ. Điều này sẽ giúp quá trình khuếch tán chất ô nhiễm xảy ra tốt hơn, hạn chế vấn đề ô nhiễm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Vấn đề xử lý nước thải đô thị (Bài 2): Giải pháp và định hướng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.