Về Ba Vì ăn Tết với người Dao

Ngọc Hằng|10/02/2021 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Là một trong 7 xã miền núi có đến 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì – Hà Nội) có những nét văn hoá vô cùng đặc trưng. Đến nay, những văn hoá ấy luôn được các cấp chính quyền địa phương bảo tồn và gìn giữ. Với người Dao nơi đây ngoài Tết Nguyên đán thì “Tết Nhảy” cũng là một trong những cái Tết vô cùng quan trọng và độc đáo của đồng bào dân tộc.

Tết Nhảy là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong tục thờ cúng của người Dao

Vào tháng Chạp cuối cùng của năm, khi những nụ hoa đào còn đang chúm chím chờ đón Xuân về. Thật may mắn cho chúng tôi có dịp ghé thăm đúng thời điểm người Dao tổ chức lễ hội Tết Nhảy của dân tộc mình.

Nhắc đến Tết của người Dao, người ta nghĩ ngay đến Tết Nhảy. Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao nói chung và của cộng đồng người Dao ở Ba Vì nói riêng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tết Nhảy bắt nguồn từ câu chuyện: Trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe doạ. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ xem ngày làm lễ tạ ơn. Hầu hết các họ Dao hứa làm Tết Nhảy. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức Tết Nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tuỳ lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết Nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 – 15 năm/lần.

Mục đích của Tết Nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.

Tết Nhảy không phải năm nào cũng có vì theo phong tục của người Dao thì những năm kiêng sẽ không làm và chỉ tổ chức sau 12 đến 15 năm. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình mới tách nhánh họ nên có thể cải tiến lên từ 20 đến 25 năm mới tổ chức Tết Nhảy. Tổ chức Tết Nhảy phải chuẩn bị rất kỹ về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để làm lễ vật dâng cúng cũng như thiết đãi bà con trong thôn bản trong suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy. Dù là Tết của gia đình nhưng phải mời cả làng, cả vùng ăn Tết tập. Mỗi khi nhà ai tổ chức Tết Nhảy thì hôm đó cả làng cùng vui.

Trao đổi với phóng viên ông Bùi Huy Giáp – Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết: “Đối với Tết Nhảy của đồng bào dân tộc Dao, UBND huyện Ba Vì luôn quan tâm, phối hợp cùng với địa phương để bảo tồn, phát huy và gìn giữ những giá trị văn hoá đặc trưng đó”.

Những năm trước đây Tết Nhảy được làm trong 3 năm liên tiếp, năm thứ nhất làm 1 ngày 1 đêm, năm thứ hai làm 2 ngày 2 đêm, năm thứ ba làm 3 ngày 3 đêm nhưng do thời gian tổ chức lâu lại gây tốn kém và gánh nặng về kinh tế cho gia đình làm Tết Nhảy và có thể xảy ra rủi ro vì trong 3 năm đó nếu gia chủ có người mất hoặc sinh con thì đồng nghĩa gia chủ đó phải làm lại Tết Nhảy từ đầu. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn minh gia đình văn hoá, người Dao ở Ba Vì chỉ thực hiện Tết Nhảy một lần trong 3 ngày 3 đêm nhưng các nghi lễ và số lượt nghi lễ vẫn được cử hành đầy đủ theo quy định.\

Một lễ Tết Nhảy gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Trong 3 ngày 3 đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng. Lễ vật dâng tế gồm: Hương (là vỏ quế để vào chén than ở bàn thờ chứ không dùng hương nén hay hương vòng như đồng bào kinh), thủ lợn, gà, xôi, bánh dầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ…Để thực hiện Tết Nhảy của người Dao có 2 thầy cúng chính.

Nghi thức làm lễ cúng báo cho tổ tiên để làm Tết Nhảy

Dẫn chúng tôi đi dự lễ nhảy của người Dao ông Lăng Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho chúng tôi biết: “người Dao rất nhiều lễ hội nhưng chủ yếu mang tính gia đình mà lại có sự tham gia của cả cộng đồng như Tết Nhảy, cấp sắc và một số văn hoá đặc trưng khác…”

Trong suốt thời gian làm Tết Nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong nhiều ngày. Điệu múa chuông, múa kiếm (hay còn gọi là xuất binh và nhập binh) và múa rùa, mỗi điệu được thực hiện 36 lần, riêng múa rùa có 3 bài do thầy âm binh chủ trì múa, cứ sau 12 bài múa chuông là đến múa rùa.

Tất cả các điệu múa đều rất độc đáo, mang tính hình tượng cao. Động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế. Người xem không nhận thấy sự thay đổi giữa các điệu múa mà có cảm giác như đang xem một tổ hợp các điệu múa cổ truyền vừa kỳ ảo vừa tưng bừng đến bất tận của dân tộc Dao.

Mặc dù Tết Nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng họ tổ chức nhưng nó được cả thôn bản tham gia với một không khí náo nức, rộn ràng và trở thành nghi lễ cộng đồng của cả thôn bản. Trong suốt thời gian 3 ngày 3 đêm diễn ra Tết Nhảy là sự đan xen giữa các nghi thức cúng tế, nhảy múa rồi ăn uống vui vẻ của cả cộng đồng. Tết Nhảy đã góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong cộng đồng người Dao ở Ba Vì.

Tết Nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho do gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khoẻ, cầu cho mưa thuận gió hoà, công việc làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại nét văn hoá truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa.

Ngày nay, ý thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, chính quyền địa phương và bà con người Dao ở Ba Vì đang có nhiều hoạt động khôi phục lại các giá trị văn hoá tộc người. Các điệu múa truyền thống của dân tộc Dao biểu diễn trong Tết nhảy như múa cờ, múa dao, múa bắt ba ba… đã được cải biên để biểu diễn trong mùa lễ hội và tại các liên hoan văn nghệ quần chúng của địa phương. Những bộ trang phục truyền thống được khuyến khích sử dụng trong các dịp lễ hội, trong đám cưới, đám tang. Nhiều món ăn cổ truyền cũng được sống lại trong những lễ hội ẩm thực tại địa phương.

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song tạm gác lại những bộn bề lo toan thường nhật, người Dao trên núi Ba Vì đang nô nức chào đón xuân, vững tin vào một năm mới ấm no và sung túc hơn…

Ngọc Hằng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Ba Vì ăn Tết với người Dao