Biến đổi khí hậu

Việt Nam hợp tác với Nhật Bản tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai

Thanh Thanh 29/11/2024 16:30

Ngày 28/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo "Đối thoại hợp tác quản lý thiên tai Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 12" với chủ đề: Phương pháp tiếp cận mới để giảm lũ lụt sử dụng thông tin rủi ro.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, sự kiện được tổ chức trong trong bối cảnh thiên tai đã và đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam - Nhật Bản cùng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, từ đó đưa ra được các giải pháp giảm thiểu rủi ro, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đặc biệt là đối với lũ lụt, sạt lở đất.

capture(4).png
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo

Đánh giá tổng quan tình hình ngập lụt và công tác phòng, chống lũ, Phó Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai) Nguyễn Xuân Tùng cho biết, Việt Nam là đất nước chịu tổn thương bởi nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, xảy ra ở cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Thời gian mưa lũ hàng năm phổ biến từ 15/6-31/10 (Bắc Bộ), từ 1/7-30/11 (khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh), từ 1/9-15/12 (khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận), từ 15/6-30/11 (khu vực Ninh Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ). Mưa lũ những năm vừa qua gây ngập lụt và thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và các vấn đề khác.

Để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt, ông Nguyễn Xuân Tùng cho rằng, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức về thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai; phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; đầu tư, bố trí nguồn lực và sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho phòng, chống ngập lụt.

capture(5).png
Việt Nam hợp tác với Nhật Bản tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai

Đối với các vùng như Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, căn cứ vào đặc thù vùng để thực hiện các giải pháp cụ thể trong phòng, chống lũ lụt...

Đề cập đến kinh nghiệm kiểm soát lũ lụt từ việc sử dụng thông tin rủi ro thiên tai ở Nhật Bản, ông Yusuke Mizushima, Phòng các vấn đề quốc tế (Cục Quản lý nước và thảm họa; Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản) cho hay: "Chúng tôi cung cấp thông tin về rủi ro thiên tai thông qua trang thông tin về bản đồ rủi ro thiên tai của Bộ. Bản đồ này sẽ thể hiện tần suất lũ lụt, mực nước lũ... Cùng với đó, chúng tôi sử dụng thông tin rủi ro thiên tai để đánh giá rủi ro lũ lụt, quản lý sử dụng đất. Đồng thời, hướng dẫn người dân di chuyển đến các khu vực có rủi ro thấp hơn; bắt buộc phải xuất trình bản đồ rủi ro thiên tai khi thực hiện các giao dịch bất động sản và cung cấp thông tin về vị trí của bất động sản liên quan; xây dựng kế hoạch sơ tán dân".

Về các giải pháp kiểm soát lũ hệ thống sông Hồng, sông Mã, theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, đối với hệ thống sông Hồng - Thái Bình, cần phải điều tiết các hồ chứa cắt giảm lũ, sử dụng dung tích phòng lũ của các hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du; nâng cao chất lượng thân đê, nền đê để đảm bảo chống lũ trong trường hợp lũ cao, kéo dài trong nhiều ngày.

Đồng thời, tiếp tục trồng rừng để nâng độ che phủ; nạo vét lòng sông tại những vị trí bị bồi lắng cục bộ; nạo vét các cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Đáy; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp trong trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế; quản lý sử dụng bãi sông; quy hoạch hệ thống đê...

Đối với sông Mã, cần tăng cường quan trắc, nâng cao năng lực dự báo tiến tới nhận diện lũ theo thời gian thực để phục vụ vận hành hiệu quả; tu bổ, nâng cấp các tuyến đê đảm bảo yêu cầu thiết kế, ưu tiên các đoạn đê còn thấp như đê sông Chu, cuối tuyến đê sông Mã, sông Lèn, sông Lạch Trường…; xây dựng, nâng cấp các cống qua đê, tu bổ, nâng cấp hệ thống kè; xử lý khu vực sạt lở nguy hiểm...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam hợp tác với Nhật Bản tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.