Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ (đề án), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 12/1/2024, tại tỉnh Quảng Trị lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện đề án, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, gồm 344 triệu cây xanh phân tán và hơn 435 triệu cây xanh tập trung, đạt 121,4% kế hoạch.
Một số địa phương đạt kết quả cao như: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An (34,38 triệu cây); nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kon Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên.
Theo báo cáo của Cục Lâm Nghiệp, trong 3 năm, các Bộ, ban, ngành, địa phương đã huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án Một tỷ cây xanh. Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 2,3 nghìn tỷ đồng thực hiện thông qua lồng ghép các chương trình đầu tư công.
Nguồn vốn xã hội hóa trên 4,1 nghìn tỷ đồng từ đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế. Phần còn lại là vốn ODA và nguồn vốn khác.
Về hạn chế trong thực hiện trong 3 năm qua, diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn. Vốn đầu tư phân bổ cho công tác phát triển rừng hàng năm còn chậm; mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp. Đây là những vấn đề cần khắc phục trong giai đoạn 2024- 2025 khi Việt Nam lên kế hoạch trồng gần 500 triệu cây nữa.