Xu hướng tiêu dùng xanh dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Trong những năm gần đây, tiêu dùng xanh không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn trở thành lựa chọn được nhiều người Việt Nam ưu tiên, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán. Với sự thúc đẩy từ các chiến dịch truyền thông của các đơn vị thương mại, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen để hướng đến một cái Tết vừa đầm ấm, vừa thân thiện với môi trường.
Sự thay đổi trong nhận thức người tiêu dùng
Tết Nguyên đán vốn là thời điểm mà các gia đình Việt Nam sắm sửa và tiêu dùng nhiều nhất trong năm. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiêu dùng lớn là lượng rác thải khổng lồ từ bao bì, thực phẩm dư thừa và đồ nhựa sử dụng một lần. Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển bền vững, lượng rác thải tăng từ 15-30% vào dịp Tết so với ngày thường, chủ yếu từ bao bì nhựa và thức ăn thừa.
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây. Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có tác động tích cực đối với môi trường.
Chị Minh Hà (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tết năm nay, tôi ưu tiên chọn quà tặng được đóng gói bằng giấy tái chế, thực phẩm hữu cơ và các loại giỏ quà được thiết kế tối giản. Ngoài việc mang lại cảm giác sang trọng, tôi thấy mình góp phần giảm bớt rác thải nhựa và không lãng phí thực phẩm”.
Anh Bảo Lâm (48 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng cho hay: “Trong những năm gần đây, gia đình để ý nhiều hơn về việc chọn lựa thực phẩm tết. Ngay cả việc đi chợ, chúng tôi hướng dẫn các con mang theo làn cói hoặc các túi vải đựng đồ thay vì sử dụng túi nilon có sẵn ở siêu thị. Đối với thực phẩm tết, cả nhà ưu tiên chọn các sản phẩm được tối giản bao bì nhựa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Một khảo sát khác của Intage Việt Nam cũng cho biết thêm, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và hơn 70% ưu tiên sản phẩm thân thiện với môi trường, khẳng định rằng tư duy tiêu dùng bền vững đã ăn sâu vào thói quen của người dân tại các đô thị lớn.
Quà tết không chỉ đẹp mà còn phải “xanh”
Ông Hoàng Minh Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) chia sẻ, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiêu dùng xanh đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng, siêu thị hay tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Các món quà tết xanh đã trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, vừa độc đáo, ý nghĩa, lại thân thiện với thiên nhiên.
Thay vì chọn những giỏ quà bọc giấy bóng kính rực rỡ nhưng khó phân hủy, nhiều người đang ưu tiên các món quà được gói bằng giấy kraft, hộp tái chế hoặc vật liệu tự nhiên như lá chuối, mây tre. Những giỏ quà xanh thường chứa đựng các sản phẩm như trái cây hữu cơ, các loại trà thảo mộc, hạt dinh dưỡng, hay thậm chí là các sản phẩm thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Chị Minh Hồng (48 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã chọn giỏ quà Tết từ gốm sứ thủ công và trà hoa hữu cơ, được gói trong túi vải tái sử dụng. Vừa đẹp mắt, lại mang thông điệp về sự trân trọng thiên nhiên”.
Còn đối với các doanh nghiệp, các chuỗi bán lẻ lớn như Co.opmart, VinMart và AEON Mall cũng đẩy mạnh những bộ quà Tết thân thiện với môi trường. Điểm nhấn của những giỏ quà này là sự tối giản trong bao bì, kèm theo các vật phẩm xanh như cây cảnh nhỏ, lọ gia vị hay những món đồ tái chế tinh tế, giúp tăng giá trị sử dụng và giảm thiểu lãng phí.
Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng đã tận dụng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp qua các hashtag như #TetXanh2025, #TieuDungBenVung… Nhiều video hướng dẫn cách bày trí nhà cửa, chọn quà Tết xanh và giảm thiểu lãng phí thực phẩm nhận được hàng trăm nghìn lượt xem.
Tiêu dùng xanh - Đa lợi ích
Xu hướng tiêu dùng xanh trong dịp tết Nguyên đán không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những giá trị thiết thực về kinh tế, sức khỏe và văn hóa. Đây là một bước chuyển mình tích cực, giúp lan tỏa nhận thức và hành động thiết thực đến cộng đồng.
Với tiêu chí “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các sản phẩm nông sản sạch và thủ công mỹ nghệ đang ngày càng được ưa chuộng. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp nội địa. Báo cáo từ một số công ty nông sản cho thấy doanh thu tăng từ 20-30% nhờ tung ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ Tết như hạt dưa không phẩm màu, bánh chưng gói lá dong không dùng nilon. Đây là minh chứng rõ nét cho việc tiêu dùng xanh đang góp phần tái định hình nền kinh tế Tết truyền thống.
Việc ưu tiên các sản phẩm thân thiện môi trường tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, thúc đẩy sản xuất sạch hơn và giảm thiểu lượng khí thải trong quá trình sản xuất. Điều này góp phần giảm áp lực lên môi trường, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Xu hướng tiêu dùng xanh còn thúc đẩy một lối sống bền vững, có lợi cho sức khỏe và tài chính. Người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm tái chế hoặc có độ bền cao như túi vải, hộp đựng thực phẩm từ thủy tinh thay cho đồ nhựa dùng một lần, sẽ tiết kiệm được chi phí mua sắm thường xuyên. Đồng thời, việc thay thế túi nilon bằng túi vải, sử dụng hộp thủy tinh hoặc thép không gỉ thay cho đồ nhựa giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với các chất gây hại, đặc biệt là BPA - chất gây rối loạn nội tiết.
Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu mỗi gia đình giảm được một phần rác thải từ bao bì hoặc thức ăn dư thừa, tổng lượng rác thải trong dịp Tết sẽ giảm đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
TS Nguyễn Ánh Hồng - Chuyên gia nghiên cứu về văn hóa nhận định: Xu hướng tiêu dùng xanh không đơn thuần đóng góp những giá trị bền vững, xu hướng này còn mang lại những giá trị văn hóa sâu sắc. Các thói quen truyền thống như sử dụng lá dong, lá chuối trong gói bánh chưng hay lựa chọn quà Tết có nguồn gốc tự nhiên đã được tái hiện và tôn vinh trong thời hiện đại. Các nét văn hóa cộng đồng hướng về những giá trị bền vững, giàu ý nghĩa được giữ gìn và phát huy. Thay vì chạy theo các sản phẩm xa hoa, nhiều gia đình đã chọn cách sống tối giản trong dịp Tết, chỉ mua sắm vừa đủ và hạn chế lãng phí thực phẩm. Đây cũng là cách để truyền đạt tư duy sống xanh đến thế hệ trẻ, giúp hình thành thói quen tiêu dùng có ý thức và trách nhiệm với xã hội.
Xu hướng tiêu dùng xanh trong dịp tết Nguyên đán 2025 là một tín hiệu tích cực cho thấy ý thức bảo vệ môi trường đang được nâng cao trong cộng đồng. Việc lựa chọn tiêu dùng bền vững không chỉ giúp chúng ta đón một cái Tết ý nghĩa hơn mà còn đóng góp tích cực vào hành trình bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa dân tộc.