Xâm nhập mặn phải chăng là quy luật nhân quả?

07/04/2016 07:23
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– Theo báo cáo của Chính phủ mới đây, có 39 trên 53 tỉnh, thành phố gặp tình trạng các nông lâm trường bị lấn chiếm đất. Tình trạng cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

Tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2015, sau khi dành cả một ngày để chất vấn Chính phủ,Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

xam man

Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Vấn đề kế hoạch quy hoạch sử dụng đất cho 5 năm tới lại được cả Chính phủ và Quốc hội đưa ra các báo cáo và bàn thảo khá sôi nổi tại Kỳ họp thứ 11 đang diễn ra. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng tài nguyên kém hiệu quả thì vẫn còn đó. Kết quả giám sát tình hình quản lý sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh của Quốc hội vừa qua đã cho thấy, tình trạng phổ biến tại các nông, lâm trường hiện nay là hiệu quả sử dụng đất thấp, Nhà nước thất thu tiền thuế sử dụng đất. Hầu hết các nông, lâm trường mới sắp xếp lại tổ chức để thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị DN, tức là “bình mới mà rượu vẫn cũ”.

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo. Người nhận khoán vẫn tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ cơ bản trên đất. Tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian dài.

Mặc dù, cả Bộ trưởng Bộ TN-MT Cao Minh Quang và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đứng ra xin lỗi Quốc hội, xin lỗi dân. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ra Chỉ thị về thực hiện Nghị quyết số 112/2015 của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện và hoàn thành trong năm 2016 việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất.

Tuy nhiên, ĐB Y Mửi – Đoàn ĐB tỉnh Kon Tum cho rằng, Chính phủ cần lưu ý đầu tư nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cắm mốc, phân chia địa giới giữa đất ở, đất sản xuất của người dân với đất nông, lâm trường địa giới giữa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng với đất của dân và đất của nông, lâm trường. Đây là vấn đề được cho là một trong những nguyên nhân bức xúc, có nơi dẫn đến xung đột giữa người dân với các nông lâm trường, với các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng quốc gia.

ĐB Huỳnh Thành – Đoàn ĐB tỉnh Gia Lai bức xúc, vấn đề ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt hạn hán, xâm nhập mặn phải chăng là quy luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả đấy. Tình hình vừa qua là có nguyên nhân chủ quan từ con người, đó là việc khai thác tài nguyên rừng, nước ngầm vượt quá mức cho phép.

Việc phát triển thủy điện nhiều nơi chưa hợp lý cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. ĐB Thành lấy ví dụ như công trình thủy điện An Khê – Kanak là công trình sai lầm thế kỷ. Vì sao trên thế giới không có một đất nước nào mà người ta chặn hẳn một dòng sông lớn chuyển qua dòng sông khác, nếu có chặn thì người ta chặn suối, không bao giờ chặn sông lớn, chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh chặn một dòng sông lớn như vậy.

ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về các con số trong báo cáo của Chính phủ. Mặc dù, qua hàng năm Quốc hội đều nghe việc diện tích rừng tăng nhẹ hoặc giảm ít, không có một đột biến lớn như thế này. Tuy nhiên, chỉ riêng báo cáo của Tổng cục lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT về kết quả kiểm kê rừng ở Tây Nguyên trong 7 năm, 2008-2014, diện tích rừng tự nhiên bị mất hơn 358.700 ha, mới có 5 tỉnh mà chúng ta mất đến 358.700 ha.

Quản lý và khai thác tài nguyên rừng liệu có trở thành một câu chuyện, biết rồi – khổ lắm – nói mãi? Từ vấn đề hoàn thành bản đồ địa chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông – lâm nghiệp, hay thủy điện… đều cần đi vào thực chất. Sử dụng tài nguyên hiệu quả, phát triển bền vững chắc chắn là những nội dung nóng của các nhiệm kỳ Quốc hội tới.

Theo Enternews.vn


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm nhập mặn phải chăng là quy luật nhân quả?