Mekong Butterfly, nhóm dân sự Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương), hôm 21/7 cho biết 8 con đập ở Trung Quốc là “thủ phạm” chính khiến mực nước sông xuống thấp kỷ lục, gây khó khăn cho người dân các nước sinh sống ở vùng hạ lưu.
Đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Dựa trên các nghiên cứu, nhóm khẳng định các đập Trung Quốc đã chặn tổng cộng 40 tỷ m3 nước để sử dụng cho sản xuất điện, tưới tiêu và các mục đích khác, gây ra dòng chảy bất thường của sông. Mực nước sông Mekong ở Thái Lan xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm mức xả chỉ còn 500 m3/giây.
Mức xả tại đập Cảnh Hồng đã tăng lên 1.000 m3/ giây hôm 18/7, song nước sông Mekong một số tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến tàu thuyền không thể đi lại, người dân không thể đánh bắt và tưới nước cho cây trồng. Mekong Butterfly đã yêu cầu chính phủ Thái Lan vào cuộc để giải quyết vấn đề, nhưng không thành công.
Ủy hội Sông Mekong (MRC) hôm 18/7 ra thông cáo cho biết nước sông Mekong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay đang ở mức thấp nhất, xuống dưới cả mức tối thiểu trong lịch sử. Các chuyên gia của MRC cho rằng có ba lý do dẫn tới mực nước thấp chưa từng có ở lưu vực sông Mekong hiện nay là lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng giảm mức xả để “bảo trì lưới điện” và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.
Tổ chức Mekong Butterfly đã yêu cầu chính phủ Thái Lan vào cuộc để giải quyết vấn đề nhưng không thành công.
Tại Campuchia, mực nước sông Mê Kông đang xuống quá thấp khiến mực nước Biển Hồ cạn kỷ lục và kéo dài đến thời điểm này, gây rất nhiều khó khăn cho người dân; đặc biệt là các hộ Việt kiều sinh sống ở các làng nổi ở hồ nước ngọt khổng lồ này.
Tuy nhiên, Trung tâm Khí tượng châu Á (ASMC) cho biết mưa sẽ xuất hiện và cải thiện mực nước ở lưu vực sông Mekong vào cuối tháng 7.
Tú Anh (t/h)