Bất cập vấn đề cấp nước sạch cho người dân Thủ đô (Bài 2): Nguyên nhân từ đâu?

Tuấn Kiệt|01/10/2022 20:00

Lâu nay, vấn đề an ninh, an toàn trong việc cấp nước cho Thủ đô cũng được đặt ra, nhưng cũng chỉ là câu chuyện trên giấy, còn những biện pháp hữu hiệu đối với từng nhà máy thì lại chưa được đặt ra đúng mức. Tình trạng nước cấp cho dân cư bị nhiễm bẩn đã xảy ra nhiều lần ở một số khu dân cư, nhà cao tầng, nhiều vùng nông thôn...

Những tồn tại trong quy hoạch, xây dựng công trình cấp nước, nguồn gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm sông ngòi, ao hồ trong thành phố đã tác động không nhỏ đến chất lượng nguồn nước và việc tiếp cận nước sạch của người dân một số vùng nông thôn ở Hà Nội chưa cao.

Bất cập trong quy hoạch

Đối với những nhà máy cấp nước cho thành phố, đặc biệt những nhà máy nước có công suất lớn như: Nhà máy nước sông Đà, nhà máy nước sông Đuống, ngoài những biện pháp bảo vệ nguồn nước cấp thông thường thì hệ thống nhà máy phải có hệ thống tự động báo động và ngừng cung cấp nước khi nguồn nước bị nhiễm bẩn khác thường. Đây là những yêu cầu bắt buộc bởi liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân thủ đô, bởi các nguồn nước mặt lấy từ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống và các nguồn nước khác kể cả nước ngầm đều có khả năng bị nhiễm bẩn, nhiễm độc do nhiều nguyên nhân.

Việc xây dựng nhiều nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho một thành phố cũng là chuyện bình thường và cần thiết nhằm tiết kiệm hệ thống đường ống dẫn chính. Để đảm bảo lưu lượng nguồn nước cấp. Trong hệ thống cấp nước, tùy theo quy mô và nhu cầu cấp nước, người ta có thể thiết kế hệ thống cấp nước thành một hoặc nhiều mạch vòng để nối nguồn nước cấp từ các nhà máy, nhằm mục đích bổ sung cho nhau khi có nhà máy gặp sự cố. Hiện tượng trong thời gian qua, hàng triệu người dân Thủ đô sử dụng nguồn nước sạch sông Đà đã không có nước sinh hoạt khi nguồn nước sông Đà bị nhiễm bẩn, từ đó chứng minh hệ thống cấp nước của TP Hà Nội không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật khi thiết kế hệ thống cấp nước cho thành phố.

Mặt khác, trong Quyết định số 499/QĐ-TTD ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thì trong quy hoạch này mới chỉ đặt ra về số lượng nhà máy nước, công suất thiết kế kèm theo; đồng thời phân định phạm vi cấp nước cho từng nhà máy. Qua nghiên cứu phạm vi cấp nước của nhà máy sông Đà và nhà máy sông Đuống thì ngay trong Quyết định đã có sự chồng chéo 4 quận, huyện. Sự chồng chéo này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn và xung đột về lợi ích của các nhà đầu tư trong việc cung cấp nước cho các địa bàn.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-8.jpg
Công nhân Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh thi công đường ống nước sạch trên địa bàn huyện Mê Linh

Mặt khác, với nguồn nước có cùng tiêu chuẩn, chất lượng như nhau nhưng giá mua nước của nhà máy nước sông Đuống gần gấp đôi giá nước của nhà máy nước Sông Đà. Cụ thể giá bán buôn trong phương án giá của nước sạch sông Đà là 5.070 đồng trong khi giá nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng. Với giá nước này liệu có tạo nên một sự bất bình đẳng đối với các nhà máy nước? Đành rằng nhà máy nước sông Đà đã được xây dựng và cấp nước nhiều năm, việc khấu hao tài sản cố định đã được khấu hao nhiều dẫn đến giá nước sẽ rẻ hơn. Đặc biệt, ngày 10/4/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP “Về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên”. Theo đó, lĩnh vực nước sạch đô thị không còn nằm trong “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu”. Như vậy, cấp nước đô thị không thuộc lĩnh vực được trợ giá. Với các quy định này thì giá mua nước đối với các nhà máy thành phố cần sớm xem xét để đảm bảo tính cạnh tranh và bình đẳng đối với các nhà đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố đang được các nhà đầu tư đầu tư xây dựng mà không dùng vốn ngân sách Nhà nước. Điều đó là phù hợp với tình hình và đúng hướng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Với các dạng đầu tư này theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì Nhà nước không quản lý nguồn vốn đầu tư nhưng phải quản lý chặt chẽ về chất lượng công trình: Hệ thống đường ống kỹ thuật cũng như công nghệ xử lý của nhà máy nước để đảm bảo việc cấp nước an toàn cho nhân dân và đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của pháp luật.

Tình trạng như nhà máy nước sông Đuống vừa qua, trong khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu để đưa vào sử dụng mà đã cung cấp nước cho nhân dân sử dụng là điều không thể chấp nhận. Cụ thể trong nghiệm thu phải nghiệm thu áp lực đường ống ở mức độ cao nhất theo thiết kế từ khi chưa được chôn lấp; ống để khắc phục những đường ống có thể bị phá hủy. Tiến hành thau rửa đường ống, kiểm tra chất lượng toàn bộ hệ thống đường ống như: Chiều dày đường ống, một số chỉ tiêu cơ lý của vật liêu sản xuất ống… trong trường hợp này cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu phải thuê một tổ chức có đủ năng lực hành nghề kiểm tra đánh giá chất lượng, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra của mình theo tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định, sau đó mới được chôn lấp ống và đưa vào vận hành. Đối với nhà máy xử lý nước, phải tiến hành các biện pháp thau rửa, vận hành và kiểm tra chất lượng nước theo tiêu chuẩn mới được đưa vào vận hành sử dụng. Tất nhiên nhà máy nước sông Đuống cũng phải tuân thủ các quy định về chất lượng nêu trên để làm cơ sở tổ chức nghiệm thu trước khi cấp nước cho nhân dân.

Cũng cần nói thêm, ở một số trường hợp có thể xảy ra khi thiết kế trong dự án thì công nghệ xử lý nước là công nghệ tiên tiến của châu Âu, nhưng trong thi công có thể sử dụng công nghệ Trung Quốc hoặc một nước nào khác; Trong thiết kế quy định có thể là đường ống thép hoặc ống gang để đảm bảo áp lực cao nhất theo thiết kế, nhưng trong thực tế thi công có thể sử dụng ống nhựa hoặc ống gang, thép kém chất lượng. Tất cả những hiện tượng trên nhằm mục đích là giảm giá thành xây dựng nhưng vẫn được tính giá nước theo công nghệ và đường ống với dự án được duyệt ban đầu.

Ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2055/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050. Ngày 6/6/2018, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần cấp nước AQUA ONE thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai – hợp phần tuyến ống truyền tải và trạm bơm tăng áp công suất 120.000 m3/ngày đêm. Như vậy nguồn nước sạch cấp cho thành phố tiếp tục được bổ sung.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-ha-noi-8.png
Cá chết trắng, nổi trên mặt hồ Yên Sở ngày 27/6/2022 - là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước của thành phố bị ô nhiễm. Ảnh: dantri.com.vn

Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội

Theo những con số thống kê trong báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Thủ Đô

Lưu lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đến từ các mô hình công nghiệp, thủ công nghiệp, sinh hoạt, ... xả thải hàng ngày vào khoảng 300.000 tấn. Trong đó, phần lớn các chất có trong nước thải là tác nhân chính gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường.

Ước tính, đã có khoảng hàng chục tấn kim loại, 320 tấn dầu mỡ, trên 3.600 tấn chất hữu cơ,... và nhiều dung môi – kim loại và vi khuẩn – vi rút gây bệnh khác đã được xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.

Lượng nước thải là rất lớn thế nhưng tại Hà Nội, chỉ có một số hệ thống sông – hồ chính để điều hòa nguồn nước: Hồ Bảy Mẫu, sông Tô Lịch, Hồ Tây, bởi thế nên nguồn nước tại các con sông, hồ này thường xuyên bốc mùi hôi thối và ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của cư dân. Lượng nước thải này cũng được ngâm đến các mạch nước ngầm và ảnh hưởng đến nguồn nước sạch trong sinh hoạt ở nhiều nơi.

Cũng theo báo cáo này, lượng nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi xả thải chỉ chiếm khoảng 10%. Tức là chỉ có khoảng 35.000 – 40.000 trên tổng số 350.000 – 400.000m3 nước thải qua xử lý. Lượng nước thải còn lại được xả trực tiếp ra môi trường. Riêng đối với ngành y tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải và 36/400 cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

nuoc-sach-cho-nguoi-dan-thu-do-7.jpg
Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước sạch sau khi nước sông Đà bị nhiễm dầu

Đặc biệt thời gian qua có rất nhiều sự kiện xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường nước, điển hình là sự việc cá chết hàng loạt tại Hồ Tây. Trong số các ao, hồ bị ô nhiễm và có dấu hiệu ô nhiễm trên địa bàn 6 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Trong đó quận Đống Đa có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng và rất nặng nhiều nhất.

Đã có không ít nhưng hiện tượng cảnh báo đến vấn đề ô nhiễm môi trường: cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, hiện tượng nước sinh hoạt có mùi lạ, do nguồn nước được cấp từ nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu bị phát hiện tháng 10/2019. Nguyên nhân của vụ việc này được cho là do một xe tải chở dầu đã cố tình đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Hòa Bình khiến dầu ngấm vào kênh dẫn nước của nhà máy cung cấp nước sạch sông Đà. 

Bài liên quan
  • Hà Nội: 160 xã chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung
    Moitruong.net.vn – Thời điểm này, tại nhiều vùng nông thôn của thành phố Hà Nội, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Các cấp, ngành chức năng của thành phố và chính quyền địa phương đang tích cực đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, từ đó đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn.
  • 100% hộ dân Hà Nội sử dụng nước sạch hợp vệ sinh
    Moitruong.net.vn – Đây là kết quả thực hiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2019 do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội thực hiện.
  • Hà Nội: Tái giám sát về nội dung cung cấp nước sạch trong năm 2020
    Moitruong.net.vn – Tới đây, trong năm 2020, theo chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, Ban đô thị sẽ tái giám sát về nội dung cung cấp nước sạch

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập vấn đề cấp nước sạch cho người dân Thủ đô (Bài 2): Nguyên nhân từ đâu?