Biến đổi khí hậu đã phá vỡ quy luật thời tiết ngày Tết

Hương Ly|06/02/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê, do hiện tượng El Nino ngày càng phát triển, thời tiết ngày Tết đặc biệt là khu vực miền Bắc đã không còn tình trạng rét đậm, rét hại. Từ năm 2014 trở lại đây nhiệt độ trung bình những ngày Tết thường rơi vào khoảng 18-20 độ C, thời tiết nắng ấm.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa nhất gây nên các tình hình thời tiết cực đoan trên trái đất. Những tác động của con người như phá rừng, khai thác khoáng sản, mở rộng khu dân cư,... gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính,... đều khiến nhiệt độ trái đất tăng cao, làm ấm tầng khí quyển, nước biển dâng. Một số khu vực ngày càng dễ xảy ra thời tiết cực đoan như mưa, bão và lũ lụt bất ngờ.

Không chỉ làm tăng mưa bão, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân khiến các đợt nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng trở nên phổ biến hơn ở nhiều khu vực trên thế giới.

du-xuan-ruc-ro-tai-le-hoi-hoa-xuan-ecopark-b1402338bdb6847c1a95742ac0bacd22.jpg

Thời tiết ngày Tết nhiều năm gần đây đều ấm áp, không còn giá rét

Theo thống kê từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên toàn cầu là xu thế không thể đảo ngược. Cũng theo báo cáo trên, nhiệt độ trung bình bề mặt khí quyển toàn cầu được dự báo theo kịch bản cao nhất vào cuối thế kỷ (2081-2100) có thể tăng lên đến mức 4,4 độ C (từ 3,3-5,7 độ C) làm cho mùa Đông trong tương lai ấm hơn.

Với xu thế đó, thời gian mùa Đông có thể rút ngắn hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tính dị thường, cường độ của các cực trị, cực đoan khí hậu nên mặc dù nhiệt độ trung bình bề mặt khí quyển tăng, mùa Đông ấm hơn nhưng vẫn có thể có những đợt lạnh/rét sâu trong bối cảnh nóng lên toàn cầu.

"Theo các số liệu nghiên cứu đến thời điểm hiện tại thì chưa có đủ cơ sở khoa học để đưa ra nhận định mùa Đông ở Việt Nam sẽ biến mất trong tương lai," phía Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay.

Các nhà khoa học khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI. Ở Việt Nam, 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 - 0,7 độ C, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu khiến các quy luật mùa bị phá vỡ. Mùa Xuân ngắn lại, mùa Hè dài ra. Nóng, lạnh bất thường. Các cực trị thay đổi, bão nhiều lên ở một số vùng. Lượng mưa giảm nhưng mưa rất lớn, không mưa là hạn hán khốc liệt.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết vào dịp tết Nguyên đán đang ngày càng ấm hơn chính là biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu. 30 năm qua, tất cả các tết Nguyên đán có rét đậm rét hại đều xảy ra từ năm 2013 trở về trước. Thống kê rét đậm rét hại dịp tết Nguyên đán trong 30 năm qua ở khu vực Hà Nội và các vùng lân cận cho thấy, số lần rét hại đã xảy ra là 8/30. Cụ thể từ năm 1991 - 2000 là 5 lần, từ năm 2001 - 2010 là 2 lần, từ năm 2010 - 2020 là 1 lần. Rét hại đã từng xảy ra vào các năm 1993, 1995, 1996, 1997, 1998, 2004, 2008 và 2012. Số lần rét đậm đã xảy ra là 2/30 lần vào các năm 2011 và 2013. Như vậy, từ năm 2014 đến nay không năm nào rét đậm rơi vào đúng tết Nguyên đán mà chỉ có rét và lạnh. Trong 33 năm qua, người dân Hà Nội trải qua 6 năm đón ngày đầu năm mới trong thời tiết rét với nhiệt độ ở ngưỡng từ 16 độ C đến 19 độ C. Trong khi đó, có tới 14 năm ghi nhận mức nhiệt trên 19 độ C.

Nhìn chung, thời tiết dịp Tết những năm gần đây không còn rét đậm mà trở nên ấm hơn. Cá biệt có những năm người dân có cảm giác oi nóng như mùa hè.

Nhiều năm nay, do tình trạng biến đổi khí hậu, nên thời tiết ngày càng nóng lên. Dù giáp tết Nguyên đán nhưng trời vẫn nắng chang chang khiến ai cũng... thấy sợ. Sợ bởi thời tiết nắng nóng trái quy luật ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là những ngày độ ẩm không khí thấp, oi bức khiến trời hanh khô, khó chịu.

Theo nhiều dữ liệu cho thấy, tết Nguyên đán gần đây không còn rét hại. Tết Nguyên đán nhiều năm nay, không có rét hại, đây là một biểu hiện nữa của biến đổi khí hậu. Điểm đặc biệt là những năm rét đậm rét hại này đều từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 trở lại đây, ở Hà Nội trong ngày 30 và mùng 1 Tết không xảy ra rét đậm rét hại, tức là không có một năm nào nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C.

Với thống kê như vậy cho riêng nhiệt độ trung bình hai ngày 30 và mùng 1 tại khu vực Hà Nội thì có thể thấy là nhiệt độ đang ấm lên. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu đang nóng lên và xu thế chung là nhiệt độ tăng, kéo theo việc quy luật khí hậu cũ bị phá vỡ, hàng loạt thiên tai xuất hiện hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Có thể nói Tết năm nay khả năng cũng tiếp tục là Tết ấm, không có rét hại.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino Vì vậy, dự báo trong ba tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%.

Về mùa đông năm 2023 - 2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm.

Dịp tết Nguyên đán 2024, thời tiết đang trong giai đoạn chính đông nên các ngày mưa ẩm nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Việc xảy ra vài ngày mưa ẩm cũng đúng đặc trưng Tết miền Bắc. Rét đậm rét hại nếu có xảy ra cũng chỉ ở mức trung bình. Miền Trung trong giai đoạn thời tiết ổn định. Miền Nam có thể xuất hiện nắng nóng vào thời kỳ này. Về xu thế nhiệt độ, nền nhiệt trung bình từ tháng 1 - 3 năm 2024, trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 1,0 - 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu đã phá vỡ quy luật thời tiết ngày Tết