Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh X dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.
Theo Strait Times, các nhà nghiên cứu ở Malaysia cảnh báo sự xuất hiện của bệnh X có thể bùng phát thành đại dịch trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
PGS.TS Vinod Balasubramaniam tại Đại học Monash (Australia) cho rằng, bệnh X sẽ là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác nhưng người bệnh không có triệu chứng. Cần nghiên cứu vaccine trước khi bệnh có nguy cơ bùng phát. Bệnh có thể bắt nguồn từ một loại virus có khả năng tự biến đổi đối với động vật và có khả năng lây truyền sang người ở mức độ cao.
Theo ông Vinod Balasubramaniam, tình trạng phá rừng, đô thị hóa và mở rộng ngành công nghiệp đòi hỏi phải mở rộng ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, điều này khiến động vật nuôi đến sống gần con người hơn, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan từ động vật sang người.
Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng "bệnh X" sẽ xảy ra do tình trạng buôn bán động vật hoang dã và nạn phá rừng góp phần gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới môi trường sống của động vật.
Trong số các động vật hoang dã, dơi là loài mang rất nhiều virus. Hiện WHO đã lập danh sách các loại virus có khả năng trở thành tác nhân gây "bệnh X" gây thiệt hại về tính mạng cao hơn cả COVID-19.