Chiều 19/12, tại trụ sở Bộ TN&MT, cuộc họp có sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Công Thương, Xây dựng, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và các cơ quan báo chí. Cuộc họp cũng có sự tham dự của các địa phương gồm đại diện thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đây là vấn đề hết sức cấp bách, nghiêm trọng và nhạy cảm. Cuộc họp đặt ra trong bối cảnh năm 2019 chất lượng môi trường không khí 2 thành phố lớn, theo số liệu quan trắc chính thức của trung ương cũng như các địa phương, ô nhiễm tập trung nhiều vào thời kỳ, có thời điểm vượt quá ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Đây là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành phố hết sức quan tâm. Ô nhiễm cũng gây ra lo lắng rất lớn của người dân”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.
Theo ông Hà, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí, phân công rất rõ các nhiệm vụ của bộ ngành, địa phương. Cuộc họp hôm nay làm sao để xác định được nguyên nhân, đánh giá chính xác tình hình và thực trạng, trong đó tập trung vào vấn đề bụi mịn. Trên cơ sở đánh giá, phân tích vào nồng độ bụi mịn, tăng cường hơn các biện pháp trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo thống kê thành phố Hà Nội trải qua hàng loạt đợt ô nhiễm không khí kéo dài đạt ngưỡng gây nguy hại đến người dân.
Cụ thể, đợt ô nhiễm không khí đầu tiên trong tháng 1/2019, kéo dài từ 11 đến 26/1. Trong đó, ngày 25/1, trạm quan trắc tại đường Phạm Văn Đồng và Hàng Đậu có giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 là trên 140 μg/m3, cao nhất trong 10 trạm đo của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội. Kết quả quan trắc này vượt gần 3 lần so với quy chuẩn Việt Nam là 50 μg/m3.
Đợt thứ hai, kéo dài từ ngày 11 đến 27/3 (17 ngày). Chỉ số trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 đạt đỉnh trên 140 μg/m3 tại trạm đo Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu trong hai ngày 13 và 14/3. Sau khi đạt đỉnh, chất lượng không khí ở Hà Nội duy trì ở mức thấp với chỉ số trung bình của bụi mịn PM 2.5 từ 80 đến 100 μg/m3 cho đến đầu tháng tư.
Đợt ô nhiễm không khí thứ 3 của Hà Nội diễn ra từ 12/9 đến 3/10 (18 ngày); chỉ số bụi PM 2.5 liên tục cao hơn 50 μg/m3, các trạm đo như Minh Khai, Hàng Đậu, Nguyễn Văn Cừ có chỉ số trên 80 μg/m3; ngày 29/9 chỉ số trung bình 24h bụi PM 2.5 lên tới 110 μg/m3. Ở đợt ô nhiễm không khí này, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết nồng độ bụi mịn tháng 9/2019 tăng mạnh so với các tháng trước đó và cao hơn cùng kỳ những năm từ 2015 đến 2018.
Đợt thứ tư, kéo dài từ ngày 5 đến 12/11, trong thời gian này, nồng độ trung bình 24 giờ của thông số PM 2.5 tại tất cả các trạm quan trắc đều vượt quy chuẩn; trong đó các trạm Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Đại sứ quán Mỹ có lúc gấp hơn 2 lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Cũng trong tháng 11, từ ngày 22 đến ngày 27/11 chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại hầu hết các trạm đo liên tục vượt qua Quy chuẩn Việt Nam. Trong đó, hai ngày 23/11 và 27/11 ghi nhận chỉ số PM 2.5 trung bình 24 giờ tại 6 trên 13 trạm quan trắc tiệm cận mức 100 μg/m3.
Đợt thứ 5, từ ngày 7 đến 16/12, chỉ số trung bình 24h của bụi PM 2.5 bắt đầu vượt quy chuẩn cho phép. Trong ba ngày từ 10 đến 12/12, chỉ số trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam từ 2 đến 3 lần. Trong ngày 12/12, trạm đo Minh Khai (Bắc Từ Liêm) và trạm Đại sứ quán Mỹ có chỉ số là 160 μg/m3. Sáng ngày 12/12, có 8 trên 13 trạm đo cho chỉ số trên 140 μg/m3.
Minh Anh