Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết Giáp Thìn 2024 đẹp, hút tài lộc

Minh Phúc|07/02/2024 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần nắm rõ cách bày mâm ngũ quả để gửi gắm ước nguyện của mình trong năm mới.

Từ xưa, mâm ngũ quả đã được xem như một phần quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Chúng mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn viên, sung túc cũng như gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp vào đó.

Việc lựa chọn các loại trái cây bày lên mâm sẽ tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng khác biệt ở từng vùng miền. Mỗi loại quả sẽ hàm chứa một ý nghĩa riêng, được biểu hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cách gọi tên.

mam-ngu-qua.jpg
Ảnh minh họa



Cách trang trí mâm ngũ quả đẹp ngày Tết

Tùy vào từng vùng miền, địa phương mà gia chủ chọn lựa các loại trái cây để bày mâm ngũ quả. Dựa trên hiểu biết về mâm ngũ quả truyền thống, mỗi gia đình cũng có thể thay đổi, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện cũng như sở thích của mình.

Mâm ngũ quả miền Bắc


Với miền Bắc, mâm ngũ quả thường được bày theo ngũ hành, được phối theo 5 màu: Kim - màu trắng hoặc xám, ghi, Mộc - xanh lá, Thủy - màu đen, Hỏa - màu đỏ, Thổ - màu vàng. Mâm ngũ quả miền Bắc thường có chuối xanh, bưởi vàng (hay phật thủ), táo, thanh long, quýt.

Mâm ngũ quả đẹp ngày Tết ở miền Bắc thường dùng nải chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc đặt ở dưới cùng để đỡ lấy các loại quả khác. Nải chuối như một bàn tay nâng đỡ, che chở cho gia chủ.

Quả phật thủ hay bưởi vàng tượng trưng cho hành Thổ thường được đặt ở chính giữa nải chuối. Các loại trái cây còn lại như ớt đỏ tượng trưng cho hành Hỏa; đào, lê - hành Kim được bài trí xung quanh mâm ngũ quả sao cho hài hòa, cân đối.

Người miền Bắc thường kiêng dùng các loại quả có gai nhọn, có mùi nồng hay thân xù xì vì cho rằng chúng có thể mang lại vận rủi cho gia chủ.

Các loại trái cây bày trong mâm ngũ quả được chọn theo số lẻ, xếp đan xen và so le với nhau.

Mâm ngũ quả miền Trung


Do các loại trái cây miền Trung không được phong phú như nhiều nơi khác nên mâm ngũ quả ngày Tết thường khá đơn giản và là sự giao thoa của hai miền Bắc - Nam. Thường người ta dùng cây nhà lá vườn, mùa nào thức nấy, thành tâm mới là điều quan trọng.

Các loại trái cây thường được đưa vào mâm ngũ quả miền Trung là cam, dừa, chuối, xoài, đu đủ, quýt, thanh long, dứa, mãng cầu, sung, dưa hấu…

Cách trang trí của người miền Trung khá đơn giản và không cầu kỳ. Những quả to, nặng thường được đặt ở dưới cùng, những quả nhỏ được xếp đan xen lẫn nhau để tạo nên sự hài hòa hoàn hảo.

Ngày nay, khi các loại trái cây được bán khắp mọi miền, mâm ngũ quả miền Trung cũng đa dạng hơn rất nhiều.

Mâm ngũ quả miền Nam


Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, ước mong một năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, một số nhà còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Khác với miền Bắc hay bày chuối, cam quýt, táo, người miền Nam thường tránh những loại quả có phát âm không tốt như lê (lê lết, dễ thất bại), chuối (chúi nhủi, không phất lên được), quýt (quýt làm cam chịu), táo - người miền Nam thường gọi là quả “bom”, sầu riêng - loại quả có cái tên khá buồn…

Cách bày mâm ngũ quả ở miền Nam thường là xếp các quả nặng, to và màu xanh ở phía dưới. Bên trên là những quả chín, nhỏ xen kẽ nhau. Đặc biệt, họ thường trang trí mâm ngũ quả giống như một ngọn tháp. Hai bên mâm ngũ quả là cặp dưa hấu đẹp mắt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết Giáp Thìn 2024 đẹp, hút tài lộc