Hiện, lưu lượng dòng chảy trên các sông Vu Gia và Thu Bồn giảm hơn 30% so với trung bình nhiều năm trước. Tổng lượng nước tại 73 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn thiếu hụt khoảng 74 triệu khối. Đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu hụt so với dung tích hữu ích là 653 triệu khối.
Đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn có các hồ chứa thủy điện gồm: A Vương, Sông Bung 4. Theo báo cáo, đến cuối mùa lũ năm 2019 mực nước đều ở rất thấp, riêng hồ A Vương đến cuối mùa lũ năm 2019 (ngày 31/12/2019) chỉ đạt 354m, thấp hơn 26m so với mực nước dâng bình thường 380m, tương đương thiếu hụt gần 200 triệu mét khối.
Nước các hồ xuống thấp, Ảnh minh họa
Các tháng đầu năm 2020, các hồ chứa đều phải hạn chế phát điện nhằm trữ nước phục vụ chống hạn cho hạ du. Tuy vậy, với tần suất nước về các hồ trên 80%, trong đó, các hồ A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 đặc biệt thấp với tần suất xấp xỉ 100%. Đến nay, mực nước các hồ Thủy điện đều thấp hơn mực nước quy định theo Quy trình vận hành liên hồ chứa. Kho nước của các hồ chứa thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn hiện tại ít hơn nhiều so với tổng lưu lượng tự nhiên của toàn bộ lưu vực sông và chỉ có khả năng bổ sung thêm lượng nước cho hạ du khi mà mùa khô năm 2020 còn rất dài.
Với tình hình thời tiết cực đoan như những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ còn diễn ra thường xuyên. Việc sử dụng lượng nước trên các hồ thủy điện là không đủ để giải quyết an toàn bài toán chống xâm nhập mặn vùng hạ du và còn ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia là hồi chuông cảnh báo cho các cấp có thẩm quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về lâu dài cần có giải pháp căn cơ cho việc chống hạn, nhiễm mặn.
Được biết, Quảng Nam đã tiến hành đắp đập bổi trên sông Tứ Câu để ngăn mặn, công việc được triển khai từ đầu tháng 1, nhằm ngăn nước mặn từ phía sông Hàn, TP. Đà Nẵng xâm nhập vào sông Tứ Câu, ảnh hưởng đến 1.700ha đất sản xuất của nông dân.
Thanh Hương (T/h)