Dấu ấn Việt Nam tại COP28

Thái Trung|06/02/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, Hội nghị COP28 được tổ chức tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE). Sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam khi tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu.

Năm 2023 đã trở thành cột mốc đáng nhớ với Việt Nam khi đạt được nhiều kết quả quan trọng tại Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28).

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, không chỉ giúp tăng cường hình ảnh của đất nước mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

dau-an-viet-nam-va-nhung-ket-qua-cu-the-tai-hoi-nghi-cop-lon-nhat-trong-lich-su_656dd46d7e37b.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu hết sức quan trọng tại COP28 vào chiều ngày 02/12/2023

Việt Nam được hỗ trợ 15,5 tỷ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch

Việt Nam cùng với nhóm các nước gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) đã thông qua kế hoạch huy động nguồn lực 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Các khoản vốn này được IPG cam kết huy động với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư.

Đây là dấu mốc quan trọng để Việt Nam đàm phán các khoản vay, các khoản đóng góp cụ thể để khoản 15,5 tỷ USD này giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng và dùng nó như đòn bẩy huy động các nguồn lực tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh.

Việt Nam đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ và tham vọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Thủ tướng nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó xây dựng nhiều chiến lược theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển năng lượng tái tạo, trồng một triệu ha lúa phát thải thấp...

Việt Nam khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu hết sức quan trọng tại COP28 vào chiều ngày 02/12/2023, trong đó khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Đặc biệt, tại COP26 Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết.

Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp…Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam thúc đẩy, phát triển năng lượng tái tạo để có thể xuất khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh có nhiều buổi họp song phương và đa phương với các nước phát triển, các tập đoàn quốc tế để có thể phát triển, mở rộng quan hệ đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy một ngành kinh tế mới là năng lượng tái tạo cũng như phát triển điện gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu. Đây là tiềm năng rất lớn, trong điều kiện nước ta có hơn 3.000 km bờ biển, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.

Việt Nam tham gia “Cam kết làm mát toàn cầu”

Cam kết làm mát toàn cầu là sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất. Các tổ chức hỗ trợ là Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và các đối tác gồm Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA). Theo mục tiêu đề ra, lĩnh vực làm mát toàn cầu phải giảm ít nhất 68% phát thải khí nhà kính vào năm 2050 so với năm 2022, nhằm đóng góp thực hiện giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng “0” đến năm 2050.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, làm mát không bền vững sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiên liệu trong vận hành đô thị và làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Thực hiện quản lý hiệu quả lĩnh vực làm mát nhằm hạn chế sự rò rỉ các chất gây phát thải khí nhà kính ra môi trường, kết hợp với giải pháp về làm mát bền vững, thân thiện với khí hậu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí điện năng. Việc thay đổi công nghệ làm mát cũng giúp các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, hộ gia đình của Việt Nam nâng cao hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Thông qua COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Việt Nam tại COP28