Tuyến đê biển Tây, Đông cũng trong tình trạng báo động tình trạng sạt lở. Chưa lúc nào ĐBSCL-vựa lúa, vựa tôm, vựa cá, vựa trái cây của đất nước lại mong manh đến thế…
Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng
Hiện toàn vùng ĐBSCL có 526 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 800 km. Trong đó có 57 điểm đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở diễn ra với tần suất ngày càng cao, và gần như trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả mùa khô. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm
Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu kết hợp triều cường, nước biển dâng đã kéo hàng ngàn ha rừng phòng hộ xuống biển. Ở các cửa sông lớn đổ ra biển dòng chảy mạnh hơn làm xói lở đất, nhất là ở nơi giao nhau các tuyến sông.
Tỉnh Tiền Giang từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 81 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 4.100 m. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mới đây địa phương này cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đề ra các biện pháp ứng phó.
Ở Sóc Trăng, từ đầu năm 2019 đến nay, cũng đã xảy ra trên 30 vụ sạt lở đất bờ sông. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành các quyết định công bố tình huống khẩn cấp tại một số khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.
Cà Mau cũng đã phải ban bố tình hình khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông, Tây và bờ sông tại 8 vị trí xung yếu, cấp bách với trên 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho biết đây là những vị trí có tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng, với tốc độ sạt lở bình quân mỗi tháng khoét sâu vào bên trong từ 20 – 50m, có nơi từ 80 – 100m/tháng. Đáng chú ý, tại những nơi chưa có hệ thống đê mới, đai rừng phòng hộ đang bị phá hủy nghiêm trọng, sóng biển đã tiến sát vào vùng sản xuất của người dân.
Không chỉ Cà mau, nhiều đoạn đê biển Tây tỉnh Kiên Giang cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở NNPTNT Kiên Giang, trong 200 km đê biển Tây thuộc địa phận tỉnh này đã có tới 80km đang bị sạt lở nặng.
Sạt lở bờ sông ở Cần Thơ
Cần các phương án khắc phục cấp thiết
Mới đây, sau khi dẫn đầu Đoàn công tác khảo sát tình hình sạt lở một số tỉnh khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Các cơ chế, thủ tục để ứng phó với tình hình sạt lở, biến đổi khí hậu cần được xử lý theo hướng khẩn cấp, vì sạt lở đang đến hồi nguy cấp, không thể chờ. Chậm ngày nào thì chúng ta tiếp tục mất rừng, mất đất, mà việc khôi phục lại cần có thời gian và tốn kém về nguồn lực.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu đối với dân cư, công trình ở ven sông, ven biển cần thiết phải chủ động di dời, tái định cư cho người dân mới mong giải quyết căn bản, bởi nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn. Riêng với Cà Mau, khu vực bờ biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với 28 tỉnh, thành ven biển cả nước trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các nguồn vốn cho đầu tư, hỗ trợ Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL còn chậm, chưa đạt yêu cầu…
Vụ sạt lở đê biển xảy ra cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Ten ở xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau vẫn nhớ như in: “Nước biển ở đâu dâng lên rất nhanh, đê phòng hộ rất cao, nhưng gió mạnh, mưa nhiều khiến sóng đánh vượt qua đê tràn vào ruộng lúa bên trong. Trước đây nhà tôi cách bờ biển xa lắm, dần dần đất cứ mất dần, biển lấn dần vào khu vực nhà dân rất gần”- bà Ten nói.
Đảm bảo nguồn vốn cần thiết để xử lý sạt lở ở ĐBSCL
Sau Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, khảo sát về tình hình sạt lở một số điểm nóng ở ĐBSCL, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có chuyến đi thực tế tại một số địa phương sạt lở nghiêm trọng của tỉnh Tiền Giang và làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, để bàn những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất hệ lụy do sạt lở gây ra.
Vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở An Giang, tháng 8/2019
Tại đây người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Cần đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch vùng ĐBSCL. Từ đó chúng ta áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở vùng đồng bằng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đừng để tình trạng làm trước hỏng sau. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương “Đoạn nào phải rời dân cấp bách, đoạn nào làm đê mềm để làm sao trồng rừng, chỗ nào kè cứng, làm sao giảm thiểu khai thác cát các dòng sông, đặc biệt quy hoạch lại dân cư chủ động rồi làm sao tăng cường các biện pháp dự báo”.
Theo Thủ tướng, cần tiến hành đánh giá tổng thể căn cơ trên cơ sở quy hoạch lại khu vực ĐBSCL, từ đó, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để xử lý tình trạng sạt lở chặt chẽ, hiệu quả hơn; tránh tình trạng “làm trước, hỏng sau”, không phát triển bền vững. Đi liền với đó là giảm thiểu khai thác cát ở các dòng sông; chủ động phân bổ quy hoạch dân cư và làm tốt công tác dự báo. Đặc biệt, cần chú trọng ứng dụng nhiều biện pháp khoa học và công nghệ mới để giảm sóng, gây bồi trong xử lý sạt lở bờ biển.
“Trước tính mạng và tài sản của nhân dân, chúng ta phải quyết tâm hỗ trợ bằng được, bảo đảm nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL. Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ĐBSCL một lần nữa mặc dù trước đó đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho khu vực này nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Các đồng chí nói với tôi tại hội nghị rằng nếu đủ số tiền này thì cơ bản sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL được giải quyết cơ bản, Thủ tướng đồng ý nguồn này để giải quyết dứt điểm”- Thủ tướng cho biết.
Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ và đồng hành với khu vực ĐBSCL để giữ vững vị trí quan trọng của vùng. Tuy nhiên phía các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân loại bỏ các thói quen sản xuất, sinh hoạt và khai thác các tài nguyên là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển thời gian qua…
Thu Hà (T/h)