Nước biển ấm nóng có thể trở thành nhiên liệu cho một cơn bão hủy diệt trong mùa bão 2024
Đỉnh điểm của mùa bão Đại Tây Dương đã qua nhưng vẫn còn có khả năng hình thành những cơn bão mạnh trước khi mùa bão kết thúc ngày 30/11 và thậm chí bão có thể tiếp tục xuất hiện khi đã qua mùa bão.
Hiện có 2 áp thấp đang được theo dõi sát ở Đại Tây Dương. Theo dự báo mới nhất, không có áp thấp nào trong số này sẽ mạnh lên thành bão lớn đe dọa đất liền Mỹ.
Dự báo cho biết, áp thấp ở Tây Caribe có 20% khả năng trở thành áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần. Do đó, có khả năng xảy ra mưa lớn vào cuối tuần này ở Trung Mỹ và một số vùng trên bán đảo Yucatan.
Áp thấp thứ 2 ở giữa Đại Tây Dương có 40% mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão trong ngày 18/10 và có thể mang theo mưa lớn, gió giật đến phía bắc Caribe, trong đó có Puerto Rico.
Tuy nhiên, cả 2 hệ thống này không được dự kiến mạnh lên đủ lớn để trở thành Nadine - cơn bão được đặt tên tiếp theo trong mùa bão Đại Tây Dương, nhà dự báo Marshall Shepherd - giám đốc Chương trình Khoa học Khí quyển tại Đại học Georgia, cựu chủ tịch của Hiệp hội Khí tượng Mỹ, chia sẻ với ABC News.
Nhà khoa học khí quyển Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell chỉ ra, gió đứt từ một front lạnh (tức rìa phía trước của khối khí lạnh và khô) ở miền Đông Mỹ đang ngăn chặn sự phát triển của các cơn bão nhiệt đới ở phía Nam.
"Khối không khí lạnh này có xu hướng ngăn chặn các cơn bão hình thành và có thể xé toạc các cơn bão" - bà nói.
Theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, đỉnh điểm của mùa bão Đại Tây Dương là ngày 10/9, nhưng hoạt động dữ dội của mùa bão diễn ra sau đó, với bão Helene hình thành vào ngày 24/9 và siêu bão Milton vào ngày 5/10. Cả 2 cơn bão mạnh này đều đổ bộ vào bờ biển phía Tây Florida.
Ông Shepherd cho biết, khả năng hình thành bão sau thời điểm này trong năm là dưới 5% và nếu có, rất có thể bão sẽ đổ bộ vào Florida. Trong khi đó, bà Francis cho biết, bão, áp thấp nhiệt đới phát triển vào tháng 11 có xu hướng tập trung nhiều hơn ở phía tây Đại Tây Dương nhiệt đới, bao gồm Tây Caribe và Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, nhiệt độ đại dương nóng ấm kỷ lục có thể làm tăng khả năng hình thành một cơn bão nhiệt đới, nhà dự báo Francis lưu ý. Chuyên gia thời tiết này cho biết, nhiệt độ ở Đại Tây Dương, Caribe và Vịnh Mexico "đều đang tăng cao". "Vì vậy, bất kỳ cơn bão nào hình thành sẽ có đủ nhiên liệu để lấy từ đại dương" - bà cho biết.
Dự báo diễn biến mùa bão 2024 là tích cực cho 7 đến 10 ngày tới, nhưng những điều kiện để một cơn bão nhiệt đới mạnh lên sẽ thuận lợi hơn vào cuối tháng 10 do sự thay đổi của gió tầng trên, bà Francis cho hay.
Dù hiếm nhưng dữ liệu cho thấy bão có thể hình thành vượt ra ngoài mùa bão truyền thống. Tháng 12/2005, bão Epsilon và bão nhiệt đới Zeta hình thành ở lưu vực Đại Tây Dương sau khi mùa bão chính thức kết thúc. Bão Alex năm 2016 là một cơn bão nhiệt đới "bất thường" hình thành vào tháng 1.
Biển Đông có thể xuất hiện 5 cơn bão trong ba tháng cuối năm 2024
Tại Việt Nam, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, ENSO đang ở trạng thái trung tính khi nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo và trung tâm Thái Bình Dương trong giai đoạn giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 đang ở mức -0,5-0,5 độ C.
Cơ quan này dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong ba tháng 10-12 với xác suất khoảng 50-70%. Dự báo số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam ở mức xấp xỉ đến cao hơn 4-5 cơn trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hiện tượng La Nina sẽ tiếp diễn trong ba tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung chủ yếu vào khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. "Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông", Trung tâm nhận định.
Theo dự báo, tháng 10-11, ở Bắc Bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm 10-20%, vùng núi thấp 5-10%. Tháng 12, mưa phổ biến 20-40 mm, thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10 mm.
Trung Bộ sẽ là tâm điểm mưa trong hai tháng tới. Dự báo tháng 10-11, mưa cao hơn trung bình nhiều năm 10-30%. Trong đó tháng 12, các tỉnh Quảng Bình - Quảng trị mưa phổ biến 100-200 mm, cao hơn trung bình 10-15 mm; các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Bình mưa phổ biến 250-500 mm, cao hơn trung bình 30-60 mm. Các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận mưa phổ biến 30-80 mm, cao hơn trung bình 15-30 mm.
Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tháng tới mưa cao hơn 5-20% cùng thời kỳ. Tháng 12, khu vực Tây Nguyên mưa phổ biến 30-50 mm, riêng một số nơi ở khu vực nam Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa phổ biến 50-80 mm, cao hơn trung bình 10-30 cm.
Do lượng mưa vượt mức trung bình nên tình hình lũ trên cả nước diễn biến phức tạp. Dự báo trong ba tháng tới, lưu lượng nước trên các sông ở Bắc Bộ sẽ cao hơn trung bình từ 10 đến 20%, đặc biệt các hồ Tuyên Quang trên sông Gâm và Thác Bà trên sông Chảy có khả năng vượt mức bình thường từ 30-70%.
Bắc Trung Bộ từ nay đến tháng 11, các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ, ở Nghệ An, Hà Tĩnh 3-4 đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ hạ lưu sông Mã mức báo động 1, sông Cả, La có khả năng trên báo động 2. Tháng 12, mực nước trên các sông giảm dần.
Trung Trung Bộ dự kiến sẽ hứng chịu 3-5 đợt lũ lớn từ tháng 10 đến 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Mực nước lũ có thể lên đến báo động 3 trên một số sông. Đỉnh lũ năm 2024 có khả năng xấp xỉ đến cao hơn trung bình.
Nam Trung Bộ tháng 10-12 có khả năng xuất hiện 2-4 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông ở Bình Định, Khánh Hòa ở mức báo động hai, có nơi trên báo động ba. Các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận trên báo động hai. Lượng dòng chảy trên cao sông cao hơn trung bình 20-50%.
Từ cuối tháng 9-12, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long biến đổi chậm với xu thế lên dần, tổng lượng về Đồng bằng sông Cửu Long tháng 9/2024 thấp hơn trung bình nhiều năm 5-10%. Tháng 10-12/2024, tổng lượng về khu vực này tương đương mức trung bình.