Gia Bình (Bắc Ninh): Giật mình điều kiện sản xuất khẩu trang không đảm bảo vệ sinh

Tuấn Nguyễn – Phan Thảo|27/03/2020 11:50
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Được mệnh danh là “thủ phủ” sản xuất khẩu trang lớn nhất Miền Bắc, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) thời gian gần đây được dư luận biết đến với nhiều cơ sở đang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn không phép, trong môi trường chật chội, không đảm bảo vệ sinh.

Xem XIDEO: Giật mình điều kiện sản xuất khẩu trang không đảm bảo vệ sinh tại Gia Bình, Bắc Ninh

Không đảm bảo vệ sinh

Qua tiếp xúc nhiều nguồn tin được biết, hiện nay tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai đang có nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang mới được mọc lên như “nấm sau mưa”. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để các cơ sở sản xuất khẩu trang tại đây bỏ qua các quy định để sản xuất đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 kém hiệu quả.

Các cơ sở sản xuất khẩu trang tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai được sản xuất trong môi trường chật chội, xập xệ và thô sơ. Với điều kiện như này nhiều người nghi ngờ về chất lượng khẩu trang do các cơ sở này sản xuất

>> Xem thêm: Bắc Ninh – Bài 3: UBND huyện Yên Phong đang buông lỏng quản lý trong công tác kiểm tra, xử lý công ty 568?

Bác Ng. Đ. V, 73 tuổi thôn Xuân Lai cho biết: “nếu như trước đây ở làng Xuân Lai này chỉ làm mây tre đan xuất khẩu, thì 2 năm trở lại đây nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất khẩu trang, đặc biệt vừa rồi xuất hiện dịch Covid, nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng cao và nhiều nhà đã đi mua máy về để sản xuất khẩu trang, các cơ sở này đều sản xuất ngay tại nhà nên điều kiện sản xuất chật chội không đảm bảo và có nhiều đoàn về kiểm tra rồi nhưng đâu vẫn hoàn đấy, nhiều cơ sở không có phép vẫn hoạt động bình thường, ở trên đã làm ngơ hết rồi!”.

Ghi nhận của phóng viên tại thôn Xuân Lai, mặc dù vào thời điểm hơn 8h sáng, các xe về lấy hàng rất đông, gây ùn tắc. Điều đáng nói, hiện nay thấy có bóng dáng bất kì người lạ nào xuất hiện tại đây là đều có người theo dõi và sau đó thông báo tới các cơ sở rồi đồng loạt đóng cửa và ngừng hoạt động.

Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn xã Xuân Lai có 02 công ty được Sở y tế Bắc Ninh cấp phép sản xuất khẩu trang y tế, và 24 cơ sở sản xuất khẩu trang vải, bảo hộ lao động, các sở này chủ yếu hoạt động sản xuất tại thôn Xuân Lai, mỗi ngày cho “ra lò” hàng triệu khẩu trang các loại. Vừa qua, nhiều hộ trong làng tiếp tục mua máy về sản xuất, điều đáng nói hiện nay một số cơ sở sản xuất không có phép nhưng vẫn được hoạt động. Ngoài ra, điều kiện kiện sản xuất của các cơ sở đều rất chật chội, liền kề khu sinh hoạt nên công tác vệ sinh còn nhiều bất cập.

Nhằm xác thực quy trình sản xuất khẩu trang của các cơ sở trên địa bàn, ông Nguyễn Kim Vượng – Chủ tịch UBND Xuân Lai xã đã cùng phóng viên Môi trường và Cuộc sống đi thực tế một số cơ sở được coi là sản xuất khẩu trang y tế lớn trên địa bàn xã.

Tại công ty cổ phần giải pháp Xuân Lai, thôn Xuân Lai là đơn vị được được Sở y tế cấp giấy phép sản xuất khẩu trang y tế nhưng theo ông Lê Văn Xuyên – Phó Giám đốc công ty cho biết, hiện nay công ty đã hết nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế nên đang sản xuất khẩu trang bảo hộ, khi được đề nghị công ty cung cấp hợp đồng mua bán nguyên liệu đầu vào, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế, mũ y tế, giấy khám sức khỏe của công nhân, Kế hoạch bảo vệ môi trường, hợp đồng thu gom vận chuyển chất thải, ông Xuyên cho biết việc khám sức khỏe cho sáu công nhân công ty chưa thực hiện được và hứa sẽ cung cấp các hồ sơ còn lại cho PV sau.

Công nhân tham gia sản xuất khẩu trang y tế  không được trang bị bảo hộ lao động. Liệu nhỡ những người công nhân này bị mắc bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm sang người tiêu dùng là rất lớn?

Đi thực tế, xưởng sản xuất của công ty khoảng 100 m2 rất chật chội, khu vực chạy máy và đóng gói khẩu trang không được phân khu riêng biệt, công nhân sản xuất không được đeo khẩu trang, không có phòng thay đồ cho công nhân, những thùng khẩu trang thành phẩm để bệt xuống nền, không có giá kệ, khu nguyên liệu bố trí rất lộn xộn. Trước những tồn tại trên, ông Xuyên thừa nhận chưa thực hiện đúng theo quy định và cho rằng vừa rồi rất nhiều đoàn đến kiểm tra nhưng không có ý kiến gì.

Tiếp đến là công ty TNHH Duy Ngọc, đây là một trong 2 cơ sở trên địa bàn xã Xuân Lai được Sở Y tế cấp phép sản xuất khẩu trang y tế. Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận được thật sự ngỡ ngàng. Phía ngoài nhà xưởng không hề có biển hiệu, nơi sản xuất và được xây dựng chắp vá, tạm bợ, cửa luôn được khóa nhưng bên trong công nhân sản xuất rất nhộn nhịp. Tại đây, những sản phẩm, ba via hỏng được công ty đóng vào bao nilong vứt ra ngoài môi trường, không được thu gom, lưu giữ theo quy định.

Nhà xưởng sản xuất của công ty TNHH Duy Ngọc rất tạm bợ lụp xụp. Rác thải công nghiệp không được công ty thu gom đúng quy định mà đóng hết vào túi nilong vứt ra ngoài môi trường chờ thời cơ là mang đi đốt

Khi làm việc với PV, ông Lê Đình Diện – Giám đốc công ty cho biết: hiện công ty chuyên sản xuất khẩu trang thông thường, trước sản xuất khẩu trang y tế, do hết nguyên liệu nên công ty đã dừng 1 tuần nay, liên quan đến khám sức khỏe cho người lao động, ông Diện cho biết công nhân toàn người trong làng, làm mùa vụ nên chưa thực hiện được. Khi đề nghị ông Diện cung cấp hợp đồng mua bán nguyên liệu, kết quả xét nghiệm, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế, kế hoạch bảo vệ môi trường, hợp đồng vận chuyển chất thải… ông Diện và bà Trịnh Thị Lan (vợ ông Diện) cho rằng những giấy tờ đó công ty có đầy đủ, nhưng hôm nay kế toán đi vắng nên không cung cấp được, mà vừa rồi nhiều đoàn về kiểm tra, có bị sao đâu!.

Với rất nhiều sai phạm của công ty TNHH Duy Ngọc nhưng vợ chồng ông Diện và bà Lan  luôn khẳng định: “vừa rồi nhiều đoàn về kiểm tra nhưng công ty có bị sao đâu!”

Đi thực tế cho thấy, khu sản xuất của công ty không được bố trí, phân khu theo quy định, nguyên liệu, máy may và đóng gói đều trong một phòng diện tích 100 m2. Công ty không có phòng thay đồ bảo hộ lao động, tường không được ốp gạch hoặc vật liệu chống thấm, những vật dụng sửa chữa máy móc hỏng dính dầu mỡ, để liền kề trong khu sản xuất nhìn rất mất vệ sinh. Với những tồn tại trên, không hiểu công ty “luồn lách” thế nào lại được công ty Cổ phần chứng nhận quốc tế thông báo công ty được duy trì phù hợp với yêu cầu của ISO 9001: 2015.

Khu vực sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt rất chật chội, nơi sản xuất được đặt ngay sát lò hơi. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì rất nguy hiểm cho người lao động

Tiếp đến tại Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt cũng tại thôn Xuân Lai, đây là một trong nhiều cơ sở đang hoạt động không có phép, tại đây ông Nguyễn Tiến Cường – Quản lý cho biết: “Công ty mới sản xuất khẩu trang được 3 hôm, sản xuất theo hợp đồng Công ty Hoa Hướng Dương GB tại thôn Nội Phú, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình do ông Lý Đức Nhân làm giám đốc, tại buổi làm việc ông Cường thừa nhận cơ sở chưa có giấy phép và không cung cấp được các giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe, thủ tục môi trường…”

Ông Nguyễn Tiến Cường – Quản lý Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt thừa nhận, công ty chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy phép sản xuất khẩu trang

Điều đáng nói, hiện nay công ty này tự ý xây nhà xưởng sản xuất khẩu trang trái phép. Bên trong khu sản xuất chật chội, bẩn thỉu và được sản xuất ngay cạnh lò hơi, vỏ hộp khẩu trang để bừa bộn dưới nền. Hơn nữa, theo ông Cương nói thì công ty mới sản xuất thử sản phẩm chưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trên những vỏ hộp khẩu trang được ghi tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng với dòng chữ “Cơ sở sản xuất Bảo Ngọc” khẩu trang cao cấp “Bảo Ngọc”. Vậy như thế nào là khẩu trang cao cấp? cao cấp mà sản xuất trong điều kiện vô cùng mất vệ sinh, liệu công ty có đang lừa dối người tiêu dùng?. Vấn đề này Đội quản lý thị trường, Công an huyện Gia Bình có biết? Chất lượng khẩu trang của cơ sở “Bảo Ngọc” và các cơ sở khác trong làng Xuân Lai ai chứng nhận kiểm định đạt chất lượng và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý về vấn đề này? Câu hỏi này xin được gửi đến lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh biết để chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Căn cứ vào tiêu chuẩn nào mà cơ sở Bảo Ngọc (thực chất là Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt) khẳng định những chiếu khẩu trang do cơ sở mình sản xuất trong điều kiện vô cùng bẩn thỉu là cao cấp?

>> Xem thêm: Yên Phong (Bắc Ninh):Trạm trộn bê tông Asphalt 568 gây ô nhiễm môi trường

Điều kiện sản xuất của công ty TNHH may mặc Quyền Anh cũng xập xệ không kém các công ty trên. Rất chật chội và lụp xụp, ấy vậy mà hằng ngày vẫn có hàng ngàn chiếc khẩu trang được tuồn ra thị trường mà các cơ quan chức năng của huyện Gia Bình không hề hay biết

Cũng theo phản ánh của người dân, công ty TNHH may mặc Quyền Anh tại thôn Xuân Lai đang hoạt động sản xuất không phép, không đảm bảo vệ sinh. Khi biết đoàn đến, công nhân công ty lập tức đóng cổng và khóa chặt bỏ vào trong. Ngay sau đó, ông Vượng – Chủ tịch xã đã gọi điện cho ông Cương – Giám đốc nhưng không nghe máy, theo quan sát của PV, công ty Quyền Anh không có biển hiệu, nhà xưởng sản xuất lụp xụp, rất tạm bợ.

Chính quyền thừa nhận nhiều cơ sở sai phạm

Làm việc với PV, ông Nguyễn Kim Vượng – Chủ tịch UBND Xuân Lai cho biết: hiện hầu hết các cơ sở sản xuất khẩu trang trên địa bàn xã đều tập trung ở thôn Xuân Lai, trong đó có 2 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế và 24 cơ sở sản xuất khẩu trang vải, bảo hộ, các cơ sở này hiện nay đều sản xuất tại nhà, cho nên điều kiện sản xuất chưa được đảm bảo, chưa phân khu riêng biệt với các công đoạn khác, nguy cơ lây nhiễm cao, do vậy chưa đảm bảo theo quy định. Theo lịch bắt đầu ngày mai (26/3 – PV) đoàn kiểm tra liên ngành của huyện sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất khẩu trang trên địa bàn.

Ông Nguyễn Kim Vượng – Chủ tịch UBND Xuân Lai, huyện Gia Bình thừa nhận: Các cơ sở sản xuất khẩu trang trên địa bàn hoàn toàn là sản xuất tại nhà, cho nên điều kiện sản xuất chưa được đảm bảo theo quy định, nguy cơ lây nhiễm cao

Khi được hỏi, cơ sở đủ điều kiện sản xuất khẩu trang gồm những thủ tục gì? ông Vượng lý giải: “Theo quy định các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, hay sản xuất khẩu trang vải, bảo hộ đều phải có: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép của sở y tế (cơ sở sản xuất khẩu trang y tế); khu vực lắp đặt máy phải đảm bảo vệ sinh môi trường; công nhân lao động phải có bảo hộ; công nhân phải được kiểm tra về sức khỏe; đặc biệt các cơ sở sản xuất phải đảm bảo về mặt chất lượng theo quy định. nếu không đảm bảo thì không đủ điều kiện sản xuất”.

Liên quan đến công tác kiểm tra, ông Vượng cho biết: “Vừa qua xã có chỉ đạo cán bộ thuế đi kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở chưa có giấy đăng ký kinh doanh và các hồ sơ liên quan, đoàn chỉ nhắc nhở bằng miệng chứ không lập biên bản và chưa bao giờ ra quyết định xử phạt đối với bất kì cơ sở nào trên địa bàn. Vì tình làng, nghĩa xóm nên chúng tôi chỉ nhắc nhở thôi!”.

Theo quy định trong quá trình kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm thì đoàn kiểm tra phải lập biên bản và xử phạt, tạo sao các cơ sở này lại không bị xử phạt?. Ông Vượng thừa nhận khi đi kiểm tra phát hiện cơ sở vi phạm mà không lập biên bản và xử phạt là chưa đúng quy định, về vấn đề này tôi xin nhận trách nhiệm vì chưa thực sự quyết liệt trong công tác xử lý. Tuy nhiên, việc sản xuất không phép trách nhiệm chính thuộc về cơ sở và lãnh đạo thôn Xuân Lai đã không khai báo kịp thời tới xã. Trong thời gian tới xã sẽ chấn chỉnh và xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm này.

Nhà xưởng sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt được xây dựng trái phép nhưng chính quyền xã Xuân Lai và huyện Gia Bình vẫn nhắm mắt làm ngơ, không vào cuộc xử lý, khiến người dân bức xúc

Qua quá trình phối hợp với PV đi thực tế, ông Vượng thừa nhận điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất khẩu trang chưa đảm bảo theo quy định, hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ. Đặc biệt, Công ty TNHH mây tre đan Đại Việt xây dựng nhà xưởng không xin phép và chưa khai báo với địa phương. Với các sai phạm của các cơ sở mà đoàn vừa đi thực tế, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, nếu vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị cấp trên kiên quyết xử lý.

Vậy trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện Gia Bình, Chi cục quản lý thị trường, công an huyện đến đâu trong vấn đề này?

Tòa soạn môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.

Tuấn Nguyễn – Phan Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Bình (Bắc Ninh): Giật mình điều kiện sản xuất khẩu trang không đảm bảo vệ sinh