[Góc nhìn tuần qua]: Ảnh hưởng môi trường từ việc lãng phí thực phẩm
Đến cuối năm 2023, cả nước còn khoảng 815.000 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nhưng sự lãng phí thực phẩm của người Việt rất đáng báo động. Chúng ta đứng thứ 2 về chỉ số lãng phí thực phẩm, chỉ sau Trung Quốc.
Lãng phí thực phẩm đang trở thành một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê của Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam, cơm/bún/phở/mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại thức ăn bị lãng phí, với 68%. Tiếp theo là thịt/cá nấu chín 53% và rau củ 44%. Điều này phản ánh một thực trạng đáng báo động: sự thiếu nhận thức về vấn đề lãng phí thực phẩm dẫn đến việc lên kế hoạch bữa ăn không hợp lý và mua sắm quá mức.
Theo nghiên cứu, có 4 yếu tố làm tăng nguy cơ lãng phí thực phẩm bao gồm: Thói quen mua sắm, thói quen nấu ăn, thói quen ăn uống và cách đánh giá chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng. Trong đó, mua sắm dư thực phẩm và nấu nhiều đồ ăn so với nhu cầu thực tế là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, còn có nguyên sâu xa gây ra sự lãng phí thực phẩm của người Việt xuất phát từ tâm lý tiểu nông trong văn hóa ăn uống.
Lãng phí làm tiêu tốn tiền bạc và ảnh hưởng đến giá bán thực phẩm. Không những vậy, thực phẩm bỏ đi, trong thời gian ngắn, sẽ sinh ra khí Metal - có khả năng giữ nhiệt gấp 28 lần khí Cacbon đioxit (CO2) - loại khí thải góp phần làm Trái đất nóng lên.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều công ty cung cấp giải pháp về môi trường, trong đó có mô hình tái sử dụng lại – tái chế rác thực phẩm. Tuy nhiên, việc tái chế này chỉ thực sự có hiệu quả khi phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của người dân.