Trong vài năm gần đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, chính trị trên thế giới và diễn biến kinh tế trong nước, sự sụt giảm về đơn hàng khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Dù dự báo những khó khăn chưa thể qua đi "một sớm, một chiều", tuy nhiên bằng nhiều biện pháp, các doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chân người lao động. Đảm bảo an sinh cho người lao động cũng chính là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tái phục hồi.
Tháng Công nhân năm 2023 có chủ đề "Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức". Tháng 5 cũng là tháng an toàn vệ sinh lao động và tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc và tiếp tục phát triển quan hệ lao động bền vững và hài hòa.
Hướng tới Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, nhiều doanh nghiệp đang có những việc làm thiết thực quan tâm chăm sóc người lao động. Trong đó, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân là hoạt động được nhiều người lao động phấn khởi chờ đợi...
Ở Việt Nam có hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Đời sống và việc làm của người lao động luôn được chú trọng. Lực lượng lao động nước ta được đánh giá là trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo vẫn cần chú trọng cải thiện trình độ học vấn, kỹ năng để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong nước. ''Để nâng cao kỹ năng và năng suất của lực lượng lao động, Việt Nam nên tiến hành dự báo kỹ năng, cung cấp giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp với các xu hướng của các ngành, vì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa. Chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động có hoàn cảnh khó khăn và lao động nữ. Cũng cần có các giải pháp để hỗ trợ người lao động di cư khi họ di chuyển từ nông thôn ra thành thị và khu công nghiệp''.