[Góc nhìn tuần qua]: Xâm nhập mặn bắt đầu tăng dần trên các cửa sông ở ĐBSCL
Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, tháng 12-2024, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 15-20 km, nhưng thấp hơn từ 7-10 km so với trung bình nhiều năm.
Theo Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Ngoài các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nằm ở vùng lõi thì các tỉnh còn lại ở đồng bằng sông cửu Long mặn có thể xâm nhập sâu vào các nhánh sông lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Tại tỉnh Tiền Giang, mặn có thể xâm nhập sâu ở các sông lớn như sông Tiền, Vàm Cỏ Tây, kênh Chợ Gạo. Các khu vực có thể bị ảnh hưởng chính gồm các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Độ mặn trên 4 phần ngàn dự báo xuất hiện trên các sông Ông Đốc, Gành Hào, kênh Phụng Hiệp của tỉnh Cà Mau.
Cũng từ mùa khô này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đưa vào vận hành hai công trình thủy lợi trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long là cống ngăn mặn trữ ngọt Nguyễn Tấn Thành ở tỉnh Tiền Giang và Rạch Mọp ở tỉnh Sóc Trăng. Hai cống này giúp điều tiết nước cho hơn 150.000 héc ta đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân giúp các địa phương chủ động ứng phó với mùa khô năm nay.
Để ứng phó với tình hình mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ trên 100.000 ha, đạt trên 60% kế hoạch sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã bố trí lịch thời vụ sớm nhằm tránh mặn, hạn hán cuối vụ, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Đồng thời khuyến cáo người dân gia cố đê bao chắc chắn để chủ động bơm trữ nước ngọt, tiến hành nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy.