Hà Nội chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để nhân rộng phân loại rác tại nguồn
Tại Báo cáo số 3498/TH-BC ngày 22/10/2024, UBND TP. Hà Nội đã cho biết cụ thể lộ trình cũng như phương án để phân loại rác thải tại nguồn theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Theo đó, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên thực tế chưa có mô hình thực tiễn để kiểm chứng làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện và ban hành đề án.
Do vậy, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm triển khai thí điểm mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với chu trình khép kín và công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thành phố Hà Nội cho biết, sau thời gian thí điểm, các bên sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và tổng hợp vào Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố, trình UBND thành phố phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, thành phố sẽ chuẩn bị các nguồn lực cần thiết tiến hành nhân rộng trên toàn địa bàn.
Hiện thành phố đã có văn bản giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực và triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính của địa phương. Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì tham mưu kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác thải thực phẩm để phục vụ công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có các văn bản hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai, hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023; thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ triển khai thí điểm phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với sự tham gia của 05 quận, các chuyên gia trong lĩnh vực chất thải rắn sinh hoạt và các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 01/01/2025, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình tại Việt Nam. Nếu không thực hiện, các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính dựa trên Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ. Đây được coi là một phần trong nỗ lực bảo vệ môi trường của Chính phủ.