Hà Nội: Ưu tiên kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn vì sức khỏe cộng đồng

Hoàng Anh|05/08/2022 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hà Nội đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi mịn (PM2.5) cao nhất toàn quốc. Theo dự báo của WB, nồng độ PM2,5 tại Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030.

Để hạn chế ô nhiễm bụi mịn Hà Nội thí điểm kiểm tra khí thải xe máy cũ; khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, thậm chí không xét thi đua nếu địa phương nào còn để tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm khói bụi.

Chất lượng cuộc sống sụt giảm vì ô nhiễm


Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2021 tại Việt Nam theo trọng số dân số là 24,7 μg/m3 , có xu hướng giảm so với năm 2020 là 28,1 μg/m3 và năm 2019 là 34,1 μg/m3 . Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; và xét trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất.

o_nhiem_bui_min_o_ha_noi.jpg
ONKK là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của bụi mịn ô nhiễm không khí (ONKK) từ bụi PM2,5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. ONKK là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Năm 2021, trước các nguy cơ và tác động sức khỏe do ô nhiễm bụi PM2.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật Hướng dẫn toàn cầu về Chất lượng không khí xung quanh nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước các chất ô nhiễm, trong đó thắt chặt các ngưỡng khuyến nghị, cụ thể từ 10 μg/m3 xuống 5 μg/m3 đối với nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các nghiên cứu ban đầu trên thế giới cho thấy người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do COVID-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với vi rút và gây nhiễm vi rút nghiêm trọng hơn. Do đó, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng là một cách giảm gánh nặng bệnh tật của đại dịch COVID-19.

Báo cáo tổng hợp của “Dự án Chung tay vì không khí sạch” (được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ- USAID) cho biết: tại Hà Nội, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2019 tại các quận/huyện từ 28,15- 39,4 μg/m3; gây ra 2.855 ca tử vong sớm, đóng góp 12% số ca tử vong sớm ở nhóm người trên 25 tuổi; kỳ vọng sống bị mất đi do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 2,49 năm. Nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội được kiểm soát, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên từ 2,2 tới 3,8 năm.

Các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ONKK tại Hà Nội là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường. Trong đó, ONKK do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có 1/3 lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và 2/3 lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên. Theo Ngân hàng Thế giới, nồng độ PM2,5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý CLKK như hiện nay.

Hà Nội kiểm tra khí thải xe máy cũ, không xét thưởng nếu để dân đốt rơm rạ


Tại Hà Nội, theo kiểm tra của Sở TN&MT, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện còn khá phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh sau vụ đông xuân 2021 (hơn 710.676 tấn rơm rạ tươi). Nhiều huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao như: Gia Lâm và Thường Tín (50%), Thạch Thất (45%), Chương Mỹ (37%)…

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, với 20% lượng rơm rạ bị đốt trên địa bàn sẽ phát sinh 179 tấn bụi PM10, 163 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, là tác nhân gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.

o-nhiem-dot-rom-5.jpg
Hà Nội khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ, thậm chí không xét thi đua nếu địa phương nào còn để tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm khói bụi

Hà Nội từng đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ xử lý để không còn rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng ruộng sau thu hoạch, tuy nhiên đến nay mục tiêu đó vẫn chưa thể hoàn thành.

Năm 2019, Thành phố ban hành Chỉ thị số 19 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI), trong đó đề cập đến việc người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa.

Năm 2020, Chỉ thị số 15 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thành phố yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến năm 2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định.

Tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ra Chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm việc này. Địa phương nào để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, sẽ phê bình lãnh đạo, tập thể và không xét thi đua, khen thưởng trong năm 2022.

Cùng với đó, cuối năm 2021, TP Hà Nội triển khai thí điểm 24 điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành; tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ lấy xe máy mới.

Chương trình triển khai tại 8 quận, huyện, thị xã gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Sơn Tây và Thường Tín.

Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) Lê Hoài Nam nhận định, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô.

Việc đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ và hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy mới cũng là cơ hội để đánh giá hiệu quả các giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông; cung cấp thông tin thực tiễn để xây dựng chính sách, quy chuẩn khí thải và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường không khí.

Kết quả đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội cũng là căn cứ quan trọng để Bộ TN-MT; Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Ưu tiên kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn vì sức khỏe cộng đồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.