Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế: Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng

Minh Trang|12/06/2023 16:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bước vào cao điểm mùa khô năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh và Thừa Thiên- Huế đang tập trung thực hiện công tác PCCC rừng với mục tiêu đặt ra là không để xảy ra cháy rừng quy mô lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.

Huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn với hơn 27.000ha, trong đó rừng tự nhiên gần 12.600ha, rừng trồng khoảng 14.800ha. Tuy nhiên, do địa bàn hiểm trở, phức tạp, cùng với việc thiếu ý thức của một bộ phận người dân, nhất là các chủ rừng nên công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng vẫn còn nhiều bất cập. Riêng trong năm 2021 đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, trong đó có 2 vụ cháy lớn thiêu rụi gần 275ha rừng thông, gây thiệt hại hơn 12,5 tỷ đồng.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, những năm qua, công tác phòng chống cháy rừng của thị xã Hương Thủy luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo; công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương và đơn vị chủ rừng. Trong năm 2022, trên địa bàn không xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về rừng và tài sản của Nhà nước.

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức thành công Cuộc diễn tập PCCC& tìm kiếm cứu nạn thị xã Hương Thủy năm 2023. Cuộc diễn tập nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân và các chủ rừng trên địa bàn thị xã Hương Thủy, đặc biệt là một bộ phận dân cư sống gần rừng hiểu rõ tầm quan trọng của rừng cũng như những thiệt hại không thể đo đếm do cháy rừng gây ra. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý điều hành mọi hoạt động trong thực hiện tình trạng khẩn cấp về PCCC rừng, cũng như các thảm họa về thiên tai của cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền trên địa bàn.

Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá, thông qua cuộc diễn tập tại thị xã Hương Thủy, Ban chỉ đạo diễn tập tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nghiên cứu, nghiêm túc rút kinh nghiệm để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao khi có tình huống thật xảy ra. Nâng cao khả năng làm tham mưu, xây dựng kế hoạch và phối hợp của các cơ quan ban ngành trong huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác PCCC rừng và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là phát huy tính chủ động từ cơ sở.

chong-chay-rung.jpg
Diễn tập PCCC rừng và tìm kiếm cứu nạn tại thị xã Hương Thủy năm 2023

Năm nay, dự báo nắng nóng gay gắt, diện rộng và kéo dài khiến nguy cơ cháy rừng đặt ra ở mức báo động. Trong đó, các rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng keo tràm luôn có nguy cơ cháy rất cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng lửa trong rừng, ven rừng của người dân tại một số nơi vẫn còn tùy tiện, không tuân thủ các quy định an toàn về PCCC rừng dẫn đến gây nguy cơ cháy rừng.

Ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, để hạn chế nguy cơ cháy rừng cũng như chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy rừng, ngành Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tuần tra, giám sát rừng thường xuyên. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, lực lượng kiểm lâm liên tục tuần tra rừng cả ngày lẫn đêm tại các khu rừng thông đặc dụng, cảnh quan, rừng keo tràm...

Các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng loại hình, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCC rừng để tăng cường giáo dục, răn đe, ngăn ngừa các nguy cơ gây cháy rừng trong suốt mùa nắng nóng.

Quan tâm việc hướng dẫn người dân sử dụng lửa gần rừng, ven rừng, quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đốt nương làm rẫy, đốt xử lý thực bì. Đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng khô hanh và kéo dài, dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên, chính quyền địa phương có quy định nghiêm cấm không đốt nương làm rẫy và xử lý thực bì trồng rừng bằng phương pháp đốt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định, trước nguy cơ xảy ra cháy rừng cao vào thời điểm hiện tại, đòi hỏi các ban ngành, đơn vị, địa phương phải thật sự nỗ lực hết sức mình, lập kế hoạch thật sự sát với tình hình thực tế, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát mới có thể đạt được kết quả mong đợi.

“Các đơn vị Lâm nghiệp phải sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dùng để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng qua ảnh viễn thám, nhập và truyền dữ liệu trực tuyến, truy xuất báo cáo, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, minh bạch hóa kết quả giám sát rừng. Đặc biệt thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng” trong PCCC rừng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

chua-chay-rung.jpg
Biển cảnh báo nghiêm cấm mọi người vào khu vực rừng trọng điểm dễ cháy

Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành Công điện số 08/ CĐ-UBND ngày 12/6/2023 gửi Giám đốc (thủ trưởng) các sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã trải qua 6 đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino từ nay đến cuối năm sẽ có 5 - 6 đợt nắng nóng gay gắt, số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là trong khoảng thời gian cuối tháng 6.

Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã chịu trách nhiệm về công tác PCCCR trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ngành chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCCR; tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCCR tại các địa phương, đơn vị coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch PCCCR đảm bảo sát đúng thực tế, có tính khả thi, nhất là tại các địa phương, chủ rừng có diện tích rừng thông tập trung và diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt loài cây giang, nứa... dễ cháy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế: Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng