Italy: Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề quốc tế đáng lo ngại nhất

Bích Thuần (t/h)|26/12/2018 07:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Ngày 25/12, Italy công bố kết quả Khảo sát do Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) có trụ sở tại Milan thực hiện từ ngày 5 đến 10-12 về mối quan tâm trong xã hội Italy năm 2018 ở cả cấp độ quốc tế và trong nước, lần đầu tiên biến đổi khí hậu trở thành chủ đề đáng lo ngại nhất ở cấp độ quốc tế với người dân Italy.

>>> Quảng Trị: Dự kiến 6.900 ha lúa không sản xuất được do thiếu nước

>>>Nghệ An: Ồ ạt trồng cây nghệ, nông dân thất thu

Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, chìm trong bụi mù 

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) cho thấy, năm 2018 vấn đề toàn cầu gây lo ngại lớn nhất, thu hút sự quan tâm của người dân “đất nước hình chiếc ủng” hơn cả vấn đề khủng bố là biến đổi khí hậu

Khảo sát do Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) có trụ sở tại Milan thực hiện từ ngày 5 đến 10-12 về mối quan tâm trong xã hội Italy năm 2018 ở cả cấp độ quốc tế và trong nước. Báo cáo của ISPI chỉ ra lần đầu tiên biến đổi khí hậu trở thành chủ đề đáng lo ngại nhất ở cấp độ quốc tế với người dân Italy.

Nếu như năm 2017 chỉ có 13% số người được hỏi tỏ ra lo ngại về vấn đề này thì năm nay con số này đã tăng hơn gấp đôi lên 28%. Trong các năm 2016 và 2015, tỷ lệ người Italy coi vấn đề này là nghiêm trọng hàng đầu lần lượt là 13% và 16%. Ngoài ra, theo báo cáo này, vấn đề quốc tế về chủ nghĩa khủng bố liên quan tới Hồi giáo cực đoan xếp ở vị trí thứ 2 và tiếp tục duy trì xu hướng giảm qua từng năm.

Tỷ lệ người coi vấn đề này là nghiêm trọng nhất giảm dần từ năm 2015 (38%), 2017 (23%) và 2018 (16%). Bất bình đẳng xã hội (13%) và khủng hoảng kinh tế (11%) lần lượt xếp các vị trí thứ 3 và thứ 4.

Trong khi đó, chủ đề tin tức về vấn đề di cư và tị nạn được nhắc tới nhiều nhất khi có tới 43% số người được hỏi nhắc tới chủ đề này và 25% cho rằng chủ đề này gây quan ngại nhất.

Trong các vấn đề ở cấp độ trong nước thì khủng hoảng kinh tế là điều đang bao trùm tâm lý người dân Italy. Có tới 55% số người được hỏi cho rằng đây là mối đe dọa với quốc gia năm 2018. Vấn đề nhập cư là yếu tố thứ 2 với 16% và căng thẳng giữa chính phủ cánh hữu Italy và EU là vấn đề thứ 3 (11%).

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh gần 200 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu trong Hội nghị khí hậu lần thứ 24 của LHQ (COP24) tổ chức tại Ba Lan đầu tháng 12. Tuy nhiên, COP24 đã không thể thống nhất về báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong đó nêu những cảnh báo của giới khoa học về tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nghiêm trọng và kêu gọi các quốc gia hành động quyết liệt hơn mới mong đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris 2015.

Hồi đầu tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) đặt vấn đề chống biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu. Chi phí các nguồn năng lượng tái tạo bắt đầu giảm mạnh. Giới chính trị gia cũng quan tâm hơn đến vấn đề này sau một năm châu Âu chịu hiện tượng khí hậu cực đoan. CEO Trung tâm Thích nghi khí hậu toàn cầu (GCA) của Hà Lan Patrick Verkooijen cho biết: “Biến đổi khí hậu đã trở thành một khái niệm bình thường mới. Cuộc tranh luận về vấn đề khí hậu không còn giới hạn trong việc đi tìm nguyên nhân. Tranh luận giờ đây phải tập trung thêm vào hàng tỷ người sẽ chịu ảnh hưởng và cần thích nghi nhanh chóng với biến đổi khí hậu”.

Bích Thuần (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Italy: Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề quốc tế đáng lo ngại nhất