Lâm Đồng lên phương án chống thiếu hụt nước do nắng kéo dài

Hạ Vy|13/03/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để tăng cường công tác đảm bảo tài nguyên nước, ứng phó với khô hạn kéo dài, nhiều tháng qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Do hạn hán hàng năm trên địa bàn xảy ra chỉ mang tính cục bộ, không ở mức nghiêm trọng nên nguy cơ thiếu nước ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không cao. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có mưa, khiến nhiều hồ thủy lợi, thủy điện mực nước sụt giảm mạnh. Có nơi nước rút ra xa hơn 20 m như khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2, đoạn phía bờ địa phận xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Nhiều thửa đất trong tình trạng cháy khô

12-ldong.jpeg
Mực nước trên hồ thuỷ điện Đồng Nai 2 đoạn phía bờ địa phận xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh rút ra xa hơn 20m

Hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 là công trình thủy điện xây dựng trên sông Đồng Nai. Hồ này trải rộng trên đại bàn xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh và Tân Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Đây là thuỷ điện bậc thang thứ 3 tính từ thượng nguồn sông Đồng Nai (đoạn chảy qua Lâm Đồng thường được gọi là sông Đa Dâng) sau các thủy điện Đa Nhim ở huyện Đơn Dương và thuỷ điện Đại Ninh ở huyện Đức Trọng.

Ông Dương Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gần 4 tháng nay trên địa bàn chưa có cơn mưa nào khiến mực nước trên hồ thuỷ điện Đồng Nai 2 xuống hơn 20m. Việc này đã ảnh hưởng nhiều đến tưới tiêu của xã Tân Nghĩa và các địa phương lân cận.

Hiện tại lượng nước trong khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 đang xuống rất thấp. Nước phía bờ ở địa phận xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh) rút ra xa hơn 20m, xuống thấp kỷ lục, mất hơn một nửa lượng nước của lòng hồ này. Trong khi đó, toàn bộ diện tích canh tác xung quanh khu vực này trở nên khô cằn. Nhiều thửa đất trong tình trạng cháy khô.

Tại huyện Lạc Dương, thời gian qua tại hồ Đan Kia-Suối Vàng nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, phục vụ người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương mực nước lòng hồ bắt đầu sụt giảm mạnh.

Phía thượng nguồn hồ đã cạn khô, hàng chục người dân huyện Lạc Dương phải dùng máy bơm đấu nối thêm đường ống từ 100-500m để lấy nước tưới cho cây trồng.

Tương tự một số hồ, sông, suối tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đạ Tẻh,… do mùa khô bước vào giai đoạn nắng nóng ngày càng gay gắt nên mực nước hồ bắt đầu suy giảm nhanh. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu nước cục bộ một số khu vực hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chính lâu nay vẫn là nước mặt thuộc lưu vực các sông của sông Đồng Nai và sông Krông Nô. Nếu không tính đến thủy điện, thì các giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt chủ yếu để cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

Tính đến hết tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh này có 201 công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước. Riêng ngành thủy lợi có 444 công trình, trong đó có 230 hồ chứa, 79 đập dâng, 13 cống dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.004ha đất canh tác.

Về tình hình cấp nước đô thị và nông thôn, theo ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thống kê số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị là 19 hệ thống. Tổng công suất thiết kế là 120.820 m3/ngày đêm và tổng công suất khai thác là 88.440 m3/ngày đêm. Ngoài việc cung cấp nước cho các đô thị hệ thống cấp nước tại một số đô thị đang dẫn nguồn cung cấp cho một số khu vực dân cư nông thôn liền kề như hệ thống cấp nước các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc... Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước dưới đất; tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 76%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân tại khu vực đô thị là 19,57%. Số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập kế hoạch cấp nước an toàn trên tổng các hệ thống cấp nước đô thị của toàn tỉnh là 11/19 hệ thống.

Theo đánh giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023, tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%). Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho ngành cấp nước còn hạn chế, công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là đối với các hệ thống công trình thủy lợi cấp nước cho nông nghiệp gây lãng phí tài nguyên nước.

Ý thức của các đơn vị khai thác, sử dụng nước trong bảo vệ tài nguyên nước, chống thất thoát, lãng phí chưa cao, chưa có nhiều đơn vị áp dụng các biện pháp tái sử dụng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc quản lý nguồn nước mặt, nước dưới đất, quản lý chất lượng nước thải từ đô thị và khu công nghiệp chưa qua xử lý đổ ra nguồn tiếp nhận, nhất là việc quản lý chất thải rắn, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của tỉnh nhất là nguồn nước mặt.

Lên phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước

Để tăng cường công tác đảm bảo tài nguyên nước, ứng phó với khô hạn kéo dài, ngay từ cuối năm 2023 UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

12-ldong3.png
Hồ Đan Kia-Suối Vàng tại huyện Lạc Dương  mực nước cũng đang giảm nhanh 

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán; tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước; có những phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn tập trung.

Về giải pháp lâu dài, tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai các giải pháp cải tạo, xây dựng các công trình thu giữ, tích trữ nước, nạo vét lòng hồ tạo nguồn nước của các hồ chứa; lập hành lang bảo vệ nguồn nước, khoanh định vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch và xây dựng hệ thống hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện, các khu công nghiệp… đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước cao điểm nắng hạn đang diễn ra gay gắt, UBND thành phố Bảo Lộc đã huy động xe bồn, xe cứu hỏa đưa nước sinh hoạt về 2 xã Đại Lào và Lộc Châu phục vụ miễn phí giúp hàng trăm hộ dân.

Theo đó, UBND thành phố Bảo Lộc đã huy động 1 xe bồn của Công ty CP Công trình Đô thị Bảo Lộc 10 mét khối (10.000 lít) nước sinh hoạt về giúp hàng trăm hộ dân tại các thôn 3 và 5 xã Đại Lào.

Nguồn nước được bơm lên 3 bồn chứa đã được địa phương chuẩn bị sẵn tại các khu vực trung tâm để phục vụ cho khoảng 200 hộ dân lấy nước về sử dụng miễn phí. Đồng thời, xe cứu hỏa của Đội Cảnh sát PCCC Khu vực 3 (Công an Lâm Đồng) cũng đã vận chuyển 12 mét khối (12.000 lít) nước sinh hoạt về cung cấp cho người dân tại Thôn 3, nhóm trẻ Thiên Ân (thôn 1) và Phân hiệu trường Mẫu giáo Sao Sáng 1, thôn Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu).

Theo UBND thành phố Bảo Lộc, trong những ngày tới, địa phương tiếp tục huy động xe bồn của Công ty Công trình Đô thị và xe cứu hỏa của Đội Cảnh sát PCCC Khu vực 3 tiếp tục vận chuyển tiếp nước sinh hoạt cho người dân 2 xã Đại Lào và Lộc Châu với dự kiến mỗi ngày cung cấp từ 40.000 đến 50.000 lít nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Hàng ngày, nước sẽ được vận chuyển và bơm lên các bồn chứa để người dân cùng chia nhau sử dụng giữa cao điểm nắng hạn.

Cùng với việc sử dụng xe bồn, xe cứu hỏa cấp nước sinh hoạt cho người dân, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc triển khai phương án cấp nước máy cho bà con.

Những ngày gần đây, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc đã tăng áp bơm nước qua đường ống Dự án nước sạch nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư để bà con sử dụng.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc đã bơm từ 45 đến 50 mét khối/giờ (tương đương khoảng 1.100 mét khối/ngày đêm) để phục vụ hàng trăm hộ dân trên địa bàn 2 xã Đại Lào và Lộc Châu sử dụng, đáp ứng cho khoảng 60% hộ dân thụ hưởng trong Dự án nước sạch nông thôn. Số hộ dân còn lại chưa có nước hoặc nước quá yếu chưa thể tiếp cận do hệ thống đường ống đang gặp sự cố cần khắc phục.

Đại diện Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc cho biết, hiện tại, đơn vị đang cung cấp từ 13.500 đến 14.000 mét khối nước/ngày đêm cho người dân toàn =Tthành phố này sử dụng.

Riêng, Dự án nước sạch nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu từ, do chưa nghiệm thu bàn giao nên công ty đang tạm thời mở nước cấp cho bà con để sử dụng trong thời điểm thiếu nước do nắng hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng lên phương án chống thiếu hụt nước do nắng kéo dài