Lạng Sơn: Tái chế đồ phế thải ở trường học để bảo vệ môi trường

Minh Trang|24/10/2023 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm như túi xách, đồ trang trí, dụng cụ học tập… đã được đông đảo học sinh, giáo viên Câu lạc bộ (CLB) Xanh của Trường THCS Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn hưởng ứng, lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng.

Từ những vỏ bánh kẹo, mì tôm, túi nilon, bao bì thực phẩm đã qua sử dụng, CLB Xanh, Trường THCS Quảng Lạc tái chế thành những chiếc làn đi chợ, vòng đeo tay, túi xách tay hay những chiếc lọ hoa… sinh động, đầy màu sắc.

Cô giáo Nguyễn Thu Hồng, chủ nhiệm CLB giới thiệu: Sản phẩm của CLB đã được đưa ra phố đi bộ Kỳ Lừa, một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố để giới thiệu, bày bán. Đến thời điểm này, CLB đã làm và đưa hơn 600 sản phẩm các loại ra thị trường để tiêu thụ, được đông đảo người dân đón nhận và đánh giá cao. Lợi nhuận thu từ việc bán sản phẩm được trích ra gây quỹ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống.

tai-che-do-phe-thai.jpg
Câu lạc bộ Xanh của Trường THCS Quảng Lạc, Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường

CLB Xanh được thành lập vào đầu năm 2021 có 30 thành viên, chủ yếu là các em học sinh. Các sản phẩm chính là kết quả học tập của các em học sinh từ việc áp dụng mô hình giáo dục STEM (hình thức giáo dục hướng đến kinh tế tri thức với sự kết hợp kiến thức ở 4 lĩnh vực Toán, Khoa học, Công nghệ và Kỹ thuật, qua đó nhằm rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy, hành động thông qua áp dụng kiến thức giữa lý thuyết và thực hành).

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, các thành viên trong CLB nhận thấy lượng rác thải nhựa, bao bì thực phẩm trong trường học, tại các khu dân cư trên địa xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn ngày một tăng và đa dạng, trong khi đó việc thu gom, xử lý rác chưa thực sự hiệu quả. Từ đó, CLB Xanh đã có ý tưởng tái chế các túi, vỏ bánh kẹo, mì tôm, bao bì thực phẩm thành những sản phẩm STEM như: túi xách, đồ chơi, đồ trang trí, đồ dùng học tập… để góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra ngoài môi trường. Vỏ bánh kẹo, bao bì thực phẩm sau khi xử lý sạch và phân loại, dưới sự hướng dẫn của các cô giáo và sự khéo léo của các em học sinh đã tạo ra những sản phẩm ấn tượng và bắt mắt. Hiện nay, CLB có 2 nhóm học sinh thường xuyên làm những sản phẩm STEM tái chế từ đồ phế thải đã qua sử dụng.

Em Hoàng Kim Cúc, lớp 9A1, Trường THCS Quảng Lạc cho biết: Chúng em rất thích làm các sản phẩm này, nó không chỉ giúp em hình thành các thói quen thu gom, phân loại rác thải mà còn giúp em biết giữ gìn và phát huy sáng tạo nghề truyền thống mây tre đan của dân tộc mình. Lúc ban đầu mới làm thì rất khó nhưng học dần, giờ em thấy làm khá là đơn giản. Một sản phẩm to như chiếc làn đi chợ, em chỉ mất khoảng 2 ngày là làm xong.

Để duy trì hoạt động này, nhà trường thường xuyên lồng ghép, đưa nội dung tuyên truyền về chống rác thải nhựa vào các buổi chào cờ, tiết học ngoại khoá. Đồng thời phát động trong toàn trường, phong trào thu gom vỏ mì tôm, bánh kẹo, bao bì thực phẩm, chai lọ nhựa để làm nguyên liệu cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn, hằng tuần, CLB dành 2 buổi để các thành viên cùng nhau lên ý tưởng thiết kế, thống nhất cách làm, phân công chia nhóm để hoàn thành sản phẩm theo bản thiết kế.

Trong 3 năm qua, CLB đã thu gom và sử dụng gần 40.000 chiếc túi, bao bì bánh kẹo, vỏ mì tôm, chai nhựa… để tạo ra các sản phẩm thiết thực, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đời sống.

Thầy Tô Ngọc Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi CLB Xanh thành lập đến nay, ý thức thu gom, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sống của học sinh, giáo viên và người dân trong xã đã thay đổi rõ rệt, từ đó lan tỏa phong trào thu gom, phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn. Việc giáo viên và học sinh nhà trường sử dụng rác thải nhựa tái chế ra những vật dụng hữu ích, thiết thực đã gây được nguồn quỹ gần 20 triệu đồng, góp phần hỗ trợ 26 học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn vào những dịp lễ, tết… động viên các em tiếp tục đến trường.

Những năm gần đây, việc giáo dục theo mô hình STEM đang được các trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn quan tâm. Đến nay, thành phố có 15 trường tiểu học và THCS triển khai, duy trì mô hình tái chế rác thải thành sản phẩm như: đồ dùng học tập, đồ dùng chăm sóc cây trồng, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày…. Qua đó, giúp học sinh phát huy được tính sáng tạo, khả năng chủ động để ứng dụng kiến thức, tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ cho đời sống con người.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Lạng Sơn cho biết: Sản phẩm STEM của CLB Xanh, Trường THCS Quảng Lạc thực sự rất ý nghĩa. Thông qua việc làm này, không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải trong trường học hiệu quả mà còn giúp học sinh biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Sản phẩm của CLB làm ra thực sự rật ấn tượng và được lựa chọn để trưng bày trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2023. Qua những sản phẩm này, chúng tôi muốn lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng những mô hình CLB hoạt động hiệu quả như trường THCS Quảng Lạc, để các em học sinh trở thành tuyên truyền viên nòng cốt, vận động mọi người thân tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Bằng những hành động nhỏ bé của các em sẽ lan tỏa tới mọi người xung quanh có ý thức hơn trong việc phân loại rác, tái chế rác thải nhựa và hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Tái chế đồ phế thải ở trường học để bảo vệ môi trường