Miền Bắc chuẩn bị đối phó với nồm ẩm kéo dài
Nồm ẩm sẽ diễn ra từ cuối tháng 2 và kéo dài đến tháng 4/2025, các đợt nồm ẩm thường kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí cả tuần.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 10/2, nền nhiệt khu vực miền Bắc có xu hướng tăng dần. Từ đêm 10-11/2, khu vực này xuất hiện mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều hửng nắng; trời rét đậm, rét hại; vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối; riêng từ 11/2, trời rét, vùng núi có nơi rét đậm.
![nom-am.jpg](https://mtcs.1cdn.vn/2025/02/10/nom-am.jpg)
Đáng lưu ý, từ đêm 12/2, khu vực Lào Cai, Yên Bái, Nam Sơn La, Hòa Bình và phía Đông Bắc Bộ đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù; trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Khu vực phía Tây Bắc Bộ trưa và chiều trời nắng.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng nhận định, tình trạng nồm ẩm ở miền Bắc sẽ diễn ra trong giai đoạn từ cuối tháng 2 và kéo dài đến tháng 4 năm nay.
Theo ông Hưởng, các đợt nồm ẩm thường kéo dài từ 3-5 ngày, thậm chí cả tuần và chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi gió mùa Đông Bắc tràn về.
Khoảng từ cuối tháng 2 trở đi, không khí khô được thay thế bằng khối không khí ẩm. Giai đoạn này, các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ chuyển sang trạng thái mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, trời rét về đêm và sáng.
Ông Hưởng thông tin thêm, hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội từ cuối tháng 2-4 hằng năm. Trong giai đoạn này, độ ẩm không khí tăng cao trên 85% kèm theo mưa phùn, sương mù gây ẩm ướt nhà, các công trình dân dụng và các vật dụng thiết yếu.
Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết nồm ẩm gây trở ngại cho sinh hoạt hằng ngày của người dân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Độ ẩm cao cũng là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Để phòng, tránh hiện tượng nồm ẩm trong mùa nồm sắp tới, các gia đình có thể thực hiện một số biện pháp như sau:
Giữ nhà cửa thông thoáng khi thời tiết khô ráo: Mở cửa sổ và cửa ra vào khi thời tiết khô ráo để không khí lưu thông, giảm độ ẩm trong nhà. Tuy nhiên, khi độ ẩm ngoài trời cao, nên đóng kín cửa để ngăn không khí ẩm xâm nhập.
Sử dụng thiết bị hút ẩm: Máy hút ẩm hoặc điều hòa không khí có chức năng hút ẩm có thể giúp duy trì độ ẩm trong nhà ở mức an toàn, ngăn ngừa ẩm mốc và bảo vệ sức khỏe.
Lau khô sàn nhà và bề mặt: Thường xuyên lau khô sàn nhà, tường và các bề mặt bằng khăn khô để giảm độ ẩm và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc.
Bảo quản đồ dùng đúng cách: Đối với các vật dụng dễ bị ẩm mốc như quần áo, sách vở, nên cất giữ trong tủ kín hoặc sử dụng túi hút ẩm để bảo vệ. Các dụng cụ như bát, đũa, thớt phải được rửa sạch và để khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại, tránh việc để ẩm có thể gây ra sự phát triển của nấm mốc.
Hạn chế phơi đồ trong nhà: Việc phơi quần áo trong nhà có thể làm tăng độ ẩm không khí. Nếu cần thiết, nên sử dụng máy sấy hoặc phơi đồ ở nơi thoáng gió.
Bảo quản thức ăn cẩn thận trong mùa nồm: Phân loại thực phẩm khoa học, không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến, và không rã đông quá nhiều lần. Đối với thức ăn đã nấu chín, không nên để qua đêm ở nhiệt độ phòng vì điều kiện ẩm ướt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Nếu còn dư thừa, bạn chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa 1 - 2 ngày.
Ngoài ra, việc theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên sẽ giúp người dân chủ động trong việc phòng chống và giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng nồm ẩm đến cuộc sống hàng ngày.