Năm 2019: Trên 1,6 triệu người được giải quyết việc làm

Minh Anh (t/h)|31/12/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2019 cả nước tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018.

Theo đó, thực hiện công tác dạy nghề, tạo việc làm, trong năm qua, Bộ đã tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổ chức thành công các hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước; Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt nam”.

Gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo tạo nghề, đào tạo thí điểm theo Chương trình chuyển giao từ Đức và Úc; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các chuẩn đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, góp phần làm tăng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam lên 13 bậc.

Ảnh minh họa

Triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ… Bên cạnh đó, Bộ đã nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.

Trong năm 2019, Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 người lao động. Cả năm 2019 các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước tổ chức được 1.233 phiên giao dịch việc làm, trung bình có khoảng 25-30 doanh nghiệp, 300-400 lượt lao động tham gia trong một phiên giao dịch.

Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trung tâm đạt gần 3 triệu lượt người, trong đó trên một triệu lượt người được tuyển dụng, chiếm 33,5% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Ngoài hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cả nước có 232 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Trong năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục – đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng với đó, tạo lập đầy đủ, đồng bộ các yếu tố và điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, hình thành một thị trường lao động hiện đại, thông suốt và hội nhập, đi đôi với tăng cường, nâng cao vai trò của nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung – cầu trên thị trường; chú trọng công tác dự báo, cung cấp thông tin, kết nối cung – cầu nhân lực trong cả nước gắn với thị trường lao động quốc tế và khu vực ASEAN. Thực hiện các chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm; Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển, mở rộng các thị trường lao động ngoài nước. Tăng cường công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động – tiền lương. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Năm 2019: Trên 1,6 triệu người được giải quyết việc làm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.