Ninh Thuận: Phát triển năng lượng xanh - Động lực từ nắng, gió và tầm nhìn chiến lược
Ninh Thuận – mảnh đất nhiều nắng và gió đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững, Ninh Thuận đã đi trước một bước, tận dụng triệt để tiềm năng tự nhiên sẵn có, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hiện đại, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khai mở tiềm năng từ thiên nhiên khắc nghiệt
Trong hành trình phát triển bền vững và xanh hóa nền kinh tế, Ninh Thuận – một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vốn được coi là vùng đất nhiều nắng gắt và gió mạnh lại đang trở thành điểm sáng của cả nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sự chuyển mình ngoạn mục của tỉnh không chỉ đến từ những con số tăng trưởng ấn tượng mà còn là minh chứng cho một tầm nhìn chiến lược dài hạn, nơi mà “nắng và gió” không còn là bất lợi, mà trở thành tài nguyên quý giá.

Theo các chuyên gia, Ninh Thuận là một trong những địa phương có điều kiện khí hậu thuận lợi nhất để phát triển năng lượng tái tạo. Tốc độ gió trung bình đạt 7,5 m/s, cao hơn mức trung bình cả nước, với thời gian có gió ổn định kéo dài tới 10 tháng mỗi năm. Điều này giúp các tuabin điện gió hoạt động hiệu quả và liên tục. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng là nơi có số giờ nắng cao nhất cả nước từ 2.500 đến 3.100 giờ/năm, cùng với mức bức xạ mặt trời dao động từ 1.780 đến 2.015 kWh/m²/năm, tạo điều kiện lý tưởng cho phát triển điện mặt trời quy mô lớn.
Nắm bắt lợi thế trời cho, Ninh Thuận đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hàng loạt doanh nghiệp như Trungnam Group, BIM Group, Hanbaram, Trường Thành, Thiên Tân... đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện mặt trời và điện gió trải dài trên các địa bàn Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải và Ninh Phước. Những cánh đồng điện gió sừng sững và hệ thống pin mặt trời trải rộng như một minh chứng sống động cho khát vọng phát triển bền vững của địa phương.
Không chỉ dừng lại ở việc tận dụng tài nguyên, Ninh Thuận còn nổi bật với chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo các tập đoàn như Trungnam Group nhiều lần nhấn mạnh, sự hỗ trợ kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của chính quyền tỉnh là yếu tố quyết định đến thành công của các dự án. Với tầm nhìn dài hạn, Trungnam Group đã nghiên cứu đầu tư tổ hợp Dự án Năng lượng xanh đến năm 2050, trong đó có mục tiêu sản xuất 824.400 tấn Hydro xanh/năm, một bước tiến đột phá trong hành trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.
Chiến lược phát triển đồng bộ: Hướng đến hệ sinh thái công nghiệp năng lượng
Nằm trong chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại và xanh, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng một cách bài bản. Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định năng lượng tái tạo là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2030 đóng góp khoảng 12% GRDP.
Thực tế cho thấy, năng lượng tái tạo đã đóng vai trò trung tâm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tính đến nay, Ninh Thuận có 57 dự án điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất hơn 3.750 MW, sản lượng điện đạt khoảng 7,6 tỷ kWh mỗi năm – chiếm khoảng 24,6% GRDP toàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2025, công suất điện sẽ đạt 4.350 MW, sản lượng gần 9,2 tỷ kWh, tương đương 18% tổng công suất điện cả nước.
Ngoài các dự án điện gió, điện mặt trời, Ninh Thuận còn hướng tới phát triển điện khí LNG, thủy điện tích năng, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời nổi trên mặt nước. Theo quy hoạch phát triển điện VIII, đến năm 2030, tỉnh dự kiến phát triển thêm 9.220 MW công suất mới – bao gồm dự án điện khí LNG Cà Ná (1.500 MW), thủy điện tích năng Bác Ái (1.200 MW), Phước Hòa (1.200 MW), và các dự án điện gió gần bờ, ngoài khơi...
Hệ thống truyền tải điện cũng được đầu tư đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng. Một số công trình trọng điểm như đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, 220kV Ninh Phước – Thuận Nam, hay 220kV Nha Trang – Tháp Chàm đã đi vào vận hành, góp phần khơi thông điểm nghẽn hạ tầng truyền tải – vấn đề từng là rào cản lớn đối với phát triển năng lượng tái tạo.
Không dừng lại ở đó, Ninh Thuận còn đặt mục tiêu hình thành một hệ sinh thái công nghiệp năng lượng khép kín. Hiện nay, tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư quan tâm tới dự án tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối – sử dụng tới 2 tỷ kWh/năm và đi kèm nhà máy điện mặt trời 320 MW phục vụ nội bộ. Mô hình phát triển này không chỉ tối ưu hóa chuỗi giá trị năng lượng mà còn góp phần nâng cao tỷ trọng tiêu thụ điện tại chỗ – một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh lưới điện truyền tải liên tục bị quá tải.
Tương lai của trung tâm năng lượng sạch quốc gia
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 xác định: Năng lượng, năng lượng tái tạo là 1 trong 5 nhóm ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Ninh Thuận, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận xác định năng lượng, năng lượng tái tạo vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn và còn dư địa phát triển rất lớn. Trong đó, điện gió trên đất liền tiềm năng phát triển đến năm 2030 hơn 1.400 MW; điện gió ven biển khoảng 4.380 MW; điện gió ngoài khơi khoảng 21.000 MW; điện mặt trời khoảng trên 8.400 MW; điện khí LNG khoảng 6.000MW; thủy điện tích năng khoảng 7.000MW…
Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Ninh Thuận dự kiến phát triển thêm trên 9.220 MW; trong đó có dự án điện khí LNG Cà Ná công suất 1.500 MW (giai đoạn 1), thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, thủy điện tích năng Phước Hòa 1.200 MW, điện gió đất liền và gần bờ 554 MW... Riêng điện gió ngoài khơi, đến năm 2030 khu vực Nam Trung Bộ phát triển khoảng 2.000 MW bao gồm cả Ninh Thuận. Đây là cơ sở để tỉnh hướng đến trở thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng.
Tỉnh Ninh Thuận luôn ưu tiên thu hút các dự án sử dụng năng lượng, tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ. Ngoài 57 dự án hiện hữu, nay Ninh Thuận đã có nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, dự kiến sử dụng 2 tỷ kWh điện/năm và đầu tư nhà máy điện mặt trời công suất 320 MW phục vụ trực tiếp cho dự án.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận cũng gặp phải không ít khó khăn, tác động đến sự phát triển chung của tỉnh. Cụ thể nhiều dự án chưa được khai thông cơ chế giá điện mới, nhất là dự án điện gió; hầu hết dự án chỉ được vận hành hòa lưới theo khung giờ cho phép, làm kìm hãm năng lực hoạt động của dự án, gây thất thu cho doanh nghiệp…
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngoài các dự án hiện có, đến nay tỉnh không phát sinh dự án nào mới và không có dự án nào để tải lưới điện. Đây là khó khăn lớn nhất mà tỉnh đang phải đối mặt. Năm 2025, Ninh Thuận quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 13,5%. Việc này tỉnh đã có lộ trình phát triển cụ thể đối với các nhóm ngành trụ cột. Riêng lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo (nhóm ngành công nghiệp và xây dựng) tỉnh vẫn có có những khó khăn như đã nêu.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, Ninh Thuận rất mong Trung ương sớm khai thông các cơ chế, chính sách, có đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt sớm tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, trong đó có cả dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ông Trần Quốc Nam chia sẻ.
Ninh Thuận có cơ hội lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đồng thời, các dự án phát triển năng lượng tái tạo cũng hứa hẹn để tỉnh thúc đẩy tăng trưởng xanh cho cả khu vực, đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong tương lai.
Tỉnh Ninh Thuận hiện là một trong những địa phương cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án. Mục tiêu đến hết năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.