Phát biểu khai mạc Hội nghị lần 2 của Nhóm công tác thực hiện Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), Trưởng Nhóm công tác, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết ô nhiễm nhựa, đồng thời phát động phong trào phòng, chống rác thải nhựa ở các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư. Một trong những nỗ lực đó chính là việc thành lập Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP).
Với mục tiêu tập hợp, kết nối và quy tụ các chủ thể thuộc Nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa, ô nhiễm nhựa và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa. Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa kể từ khi chính thức ra mắt đến nay đã và đang nỗ lực trong các hoạt động hợp tác hướng đến các mục tiêu chung.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương, khối tư nhân và các tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung thực hiện Chương trình NPAP một cách toàn diện, tổng thể. Qua đó, trở thành mô hình tiêu biểu huy động mọi nguồn lực của các chủ thể công, tư, cộng đồng và người dân nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra. Đồng thời, phấn đấu phát huy vai trò quốc gia dẫn dắt trong khu vực tại các diễn đàn đa phương liên quan đến chất thải nhựa” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Đánh giá cao hành động của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa, bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình đối tác hành động Toàn cầu về Nhựa và Chương trình Tuần hoàn nguồn lực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Tiềm năng to lớn từ nền tảng đa chủ thể của NPAP, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ tập hợp chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đơn vị nghiên cứu cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện mục tiêu của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa”.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đặt ra mục tiêu thể hiện quyết tâm nhằm quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, đã được đề cập tại Kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2023. "Việc thực hiện mục tiêu này sẽ chỉ khả thi với những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp của các bên", bà Ramla Khalidi nhận định.
Chia sẻ về những kết quả Chương trình NPAP đạt được, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Chương trình NPAP là sáng kiến chính thức nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án Quốc gia về tăng cường quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg. Chương trình hỗ trợ xây dựng một số nội dung của Luật BVMT 2020 và Thông tư hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ việc triển khai thực hiện Luật và Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa.
Chương trình NPAP cũng hỗ trợ Việt Nam tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa và cung cấp các công cụ quản lý rác thải nhựa; xây dựng báo cáo nghiên cứu đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xúc tiến một số dự án mới thông qua nền tảng NPAP với sự tham gia tích cực và gắn kết các thành viên. Ngoài ra, chương trình cũng thu hút sự tham gia tích cực từ các khối công và tư trong việc giảm thiểu nhựa dùng 1 lần và tăng cường bình đẳng giới và hoà nhập xã hội trong ngành nhựa.
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Qua ý kiến trao đổi của các đại biểu, các Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp tham gia, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Ban Thư ký Chương trình NPAP tổng hợp, cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Chương trình NPAP năm 2023 và Kế hoạch trong giai đoạn tới, đồng thời sớm chia sẻ tới các thành viên Nhóm công tác để tiến tới triển khai thực hiện một cách hiệu quả.