Ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn kéo dài trong nhiều ngày tới

Hải Đăng 18/12/2024 16:28

Trong 2 ngày nay, ô nhiễm không khi ở mức đỏ bao trùm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thái Nguyên, trong đó riêng tại Thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí lên mức tím.

Sáng hôm qua (17/12), các hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam đều ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Dự báo cho thấy, đợt ô nhiễm này còn kéo dài trong nhiều ngày tới, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tất cả mọi người.

Theo ứng dụng quan trắc không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáng ngày 17/12, mức cảnh báo đỏ (mức có hại cho sức khoẻ mọi người) bao trùm các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thái Nguyên, trong đó riêng tại Thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí lên mức tím (mức rất có hại cho sức khoẻ mọi người).

Theo đó, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 220; cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 217; Công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến) là 164.

Hệ thống cũng ghi nhận ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương với chỉ số chất lượng không khí AQI phổ biến từ 150-200, mức có hại cho sức khoẻ mọi người.

Cập nhật thời điểm 8h sáng nay (18/12) trên ứng dụng VN AQI (được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ số AQI của thành phố tại địa điểm ĐH Bách Khoa là 163 (mức xấu).

Theo dự báo trên hệ thống chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài ít nhất đến cuối tuần này với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ. Tình trạng ô nhiễm không khí chỉ được cải thiện khi miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới vào khoảng đầu tuần sau.

screenshot-2024-12-18-142555.jpg
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn kéo dài trong nhiều ngày tới

Trước tình hình trên, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động các nguồn lực và tiếp cận các phương pháp dự báo chất lượng môi trường không khí tiên tiến trên thế giới, như mô hình dự báo chất lượng không khí CMAQ (Mỹ), SILAM (châu Âu, Phần Lan).

Đến nay, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã xây dựng và công bố bản tin Dự báo nội bộ dự báo chất lượng môi trường không khí ngắn hạn 24 - 48 giờ trên phạm vi toàn quốc và theo 6 vùng kinh tế xã hội. Cục cũng đã xây dựng bản tin Dự báo nội bộ chất lượng không khí cho 2 ngày tiếp theo tại 6 vùng kinh tế và các tỉnh thành phố trên toàn quốc.

Trong kế hoạch tiếp theo, Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tích hợp để tăng dày các nguồn dữ liệu phục vụ công tác dự báo chất lượng không khí hướng tới hoàn thiện Hệ thống dự báo chất lượng môi trường có độ chính xác cao và công bố kết quả dự báo chất lượng môi trường trên các phương tiện truyền thông.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).

Yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Trước đó, tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm.

Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn cũng cho thấy có tới 29/30 quận/huyện/thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Hiện nay, chỉ số bụi PM10 và PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đều vượt gấp nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ô nhiễm bụi PM2.5 xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện; tập trung ở nội thành (29/30 quận/huyện/thị xã).

Tại Hội nghị, UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế và quy định phối hợp giữa bộ - tỉnh và tỉnh - tỉnh để trao đổi dữ liệu về môi trường, nhất là các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời xây dựng chương trình công tác phối hợp để xử lý vấn đề ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh.

Mức độ ô nhiễm không khí trên được nhận định sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Khi ra ngoài cần sử dụng khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5.

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí.

Thực hiện vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn kéo dài trong nhiều ngày tới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.