Phát triển du lịch biển ở Duyên hải Nam Trung bộ (Bài 3): Hài hòa với công tác bảo vệ môi trường

Vũ Thành - Gia Hân|28/08/2023 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Do đó, phát triển kinh tế bền vững nói chung và du lịch biển nói riêng gắn với công tác bảo vệ môi trường biển trở thành xu thế chủ đạo.

Biển Nam Trung bộ đối diện nạn cạn tài nguyên, ô nhiễm

Tại hội thảo “Khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ”. Các chuyên gia nhận định, nguồn tài nguyên biển tại khu vực Nam Trung bộ đang bị khai thác cạn kiệt mà không có kế hoạch phục hồi, tái tạo, vấn đề ô nhiễm cũng đe dọa đến du lịch biển.

du-lich-bien.jpg
Một góc huyện đảo Lý Sơn

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra thực tế, mặc dù vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đều là những tỉnh thành có biển với diện tích rất rộng, giàu tiềm năng nhưng đến nay vị thế và tiềm năng đó chưa được khai thác hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, về khai thác ngư nghiệp, dù Việt Nam luôn đứng top 10 các nước xuất khẩu thuỷ hải sản nhưng ít nước đến ta học tập vì chúng ta đang chú ý đến tổng sản lượng, chưa chú ý đến chất lượng.

“Chúng ta mãi mở rộng diện tích đánh bắt, tăng số lượng lồng bè nuôi trồng, tăng tàu thuyền… dù có tăng trưởng nhưng nguồn lợi sẽ dễ dàng bị cạn kiệt. Khai thác của chúng ta vẫn đang thiếu bền vững do phương thức khai thác chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, công nghệ lạc hậu”, PGS Hồi nói.

Tháng 5.2010, Chính phủ đã quy hoạch 16 khu bảo tồn biển thế nhưng đến nay chỉ có 10 khu có ban quản lý chứ chưa nói đến đánh giá hoạt động.

“16 khu bảo tồn biển chỉ mới đạt mức 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, trong khi chúng ta đặt mục tiêu 2030 chúng ta phải đạt 6% bảo tồn biển là rất khó. Nhưng có bảo tồn thì hệ sinh thái biển mới bền vững, đây là bài học từ các nước đang làm rất nhiều còn chúng ta chỉ có khai thác và khai thác”, PGS Hồi cho biết thêm.

Về du lịch biển, vấn đề môi trường đang là thách thức lớn với các tỉnh thành Nam Trung Bộ. Biển bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải, các hệ sinh thái biển đảo đang bị suy thoái.

Ngay như tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia đưa ra ví dụ về các cống xả trực tiếp ra biển, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch biển thành phố.

PGS Chu Hồi cho rằng, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ ưu tiên của các địa phương ven biển là công nghệ sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, củng cố các trung tâm giống thủy sản và đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá; phát triển du lịch, các cơ sở hạ tầng cho du lịch, xây dựng mô hình du lịch bền vững trong các khu bảo tồn, mô hình du lịch vùng cát; đánh giá năng lực tải của các điểm đến du khách.

Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, phân loại, xử lý rác thải biển; kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, ven biển, đặc biệt là rác thải nhựa cũng cần được chú trọng. Việc phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) cần phải được làm ngay thì mới mong có cơ hội phát triển kinh tế biển bền vững.

du-lich-bien-4.jpg
Nhiều phong trào bảo vệ môi trường, thu gom rác, làm sạch bãi biển được triển khai tại các địa phương

Bảo vệ môi trường phát triển du lịch biển bền vững

Tại Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, các cấp chính quyền thành phố rất quyết liệt trong vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế. Thành phố đã huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp cho việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm soát ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tích hợp trong quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật như thoát nước mặt; thoát nước thải; chiếu sáng đô thị; cấp nước; cấp điện; xử lý chất thải rắn; cây xanh đô thị. Biến đổi khí hậu được lồng ghép vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường. Quy hoạch giao thông cũng dựa trên cơ sở quy hoạch cao độ nền phù hợp với các tần suất lũ, mực nước biển dâng hiện tại và tính toán dự kiến trong tương lai.

Thành phố đã xây dựng hệ thống đê, kè biển, đê, kè cửa sông, kè sông với tổng chiều dài khoảng 56,027 km, tiếp tục xây dựng các dự án đê, kè sông, biển tại các vị trí xung yếu. Quy hoạch hành lang thoát lũ hạ lưu sông Vu Gia, sông Cu Đê; xây dựng hành lang thoát lũ khu vực lòng sông, bãi sông cho các sông: Yên, Túy Loan, Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cò và Cu Đê. Thực hiện các sáng kiến khuyến khích làm nhà ở chống biến đổi khí hậu cho người nghèo ở vùng đô thị; nâng cao năng lực ứng phó với gánh nặng nhiệt của người lao động tại nơi làm việc khu vực đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả quỹ đất, đảm bảo hài hòa giữa mục đích sử dụng đất gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở từng thời kỳ; lồng ghép quy hoạch về phát triển cảng biển vào Quy hoạch chung của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Quảng Nam trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển.

Đà Nẵng cũng rất tích cực triển khai các dự án trồng rừng ven biển trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; trồng rừng ven biển, rừng tự nhiên, các hệ sinh thái biển, các bể hấp thụ các-bon trong tự nhiên. Tổ chức điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển; đánh giá hiện trạng các công trình và đề xuất các giải pháp công trình phù hợp với tình hình xâm thực, xói lở bờ sông, bờ biển. Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển tuyến Nguyễn Tất Thành; phát triển du lịch cộng đồng Thọ Quang - Mân Thái; phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô tại phường Hòa Hiệp Nam, Quận Liên Chiểu.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, đến thời điểm hiện tại, công tác thu gom và xử lý chất thải rắn được thành phố đầu tư khá đồng bộ, tỷ lệ thu gom đạt 87% tổng lượng rác; nước thải sinh hoạt được thu gom bằng hệ thống cống, mương thoát nước, xử lý tập trung tại 4 trạm xử lý sau đó chảy theo đường ống xả ra sông Hàn, vịnh Đà Nẵng, biển Đông.

Đà Nẵng là địa phương đi tiên phong trong cả nước áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các loại xe; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất về cấp thoát nước và thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn để đạt tiêu chí Kết cấu hạ tầng đô thị (giao thông, môi trường) tạo nền tảng phát triển một thành phố đáng sống, bền vững và trường tồn.

Nhiều sáng kiến cụ thể của Đà Nẵng cho thấy sự thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, như Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030”, Cuộc thi tuyên truyền “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường năm 2022”, Hội thảo quốc tế "Sáng kiến địa phương - Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam".

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu; các thông tin, tài liệu nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của biến đổi khí hậu đến thành phố và từng ngành, lĩnh vực còn rất hạn chế do thiếu các công cụ, các mô hình phân tích, dự báo và dữ liệu tin cậy, phù hợp.

Việc thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu (công trình và phi công trình), tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên, hệ sinh thái, lập quy hoạch các nguồn tài nguyên, đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường… trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn do chưa đủ nguồn lực, kể cả về mặt kỹ thuật và tài chính. Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới còn chậm do tính mới, chi phí đầu tư cao, chỉ mới tập trung ở một số dự án thí điểm.

Du lịch xanh - hướng đi mới cho ngành du lịch Quảng Nam: Ngày 10/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 5177/KH-UBND về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025.

Qua đó, tỉnh Quảng Nam sẽ hợp tác với các địa phương trong cả nước để đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch xanh như: Liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước để đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm du lịch xanh; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế của du lịch mỗi địa phương, phù hợp với bối cảnh thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức quốc tế tạo nguồn lực phát triển du lịch xanh.

Từ nay đến năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam; khảo sát lập danh mục các điểm du lịch, sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh; kết nối các điểm du lịch xanh, xây dựng tour du lịch xanh trên địa bàn tỉnh; phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch xanh.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam chọn TP. Hội An để xây dựng mô hình điểm về du lịch xanh theo bộ tiêu chí, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp... học tập, nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, các điểm du lịch cộng đồng, điểm tham quan, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng và công ty lữ hành tại Hội An sẽ áp dụng mô hình du lịch xanh.

Theo kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025, Quảng Nam đặt mục tiêu thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người. Mỗi năm, xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; đến năm 2025 xây dựng khoảng 10 - 20 mô hình du lịch xanh.

Quảng Nam xem Du lịch xanh là hướng đi mới cho ngành du lịch bền vững, có trách nhiệm. Bên cạnh đó phát triển du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Là chìa khóa để phát triển ngành du lịch Quảng Nam cũng như cả nước, góp phần quan trọng cho phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên.

du-lich-bien-3.jpg
Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020

Còn tại Bình Định: Với lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, Bình Định lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa- lịch sử làm nền tảng. Tuy nhiên, giống như các địa phương khác, tỉnh Bình Định cũng gặp phải những thách thức trong công tác đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch như: Vấn đề rác thải tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bãi biển; hoạt động của du khách tác động đến rặng san hô, nguồn lợi thủy sản; ý thức ứng xử văn minh du lịch còn hạn chế; chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu...

Tỉnh Bình Định xác định, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển du lịch vào năm 2020, định hướng năm 2030 thì môi trường du lịch cần thiết phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh và văn minh. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu chung: Xây dựng môi trường du lịch tỉnh Bình Định theo hướng phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 “Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ sở dịch vụ du lịch, cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an toàn, an ninh, lành mạnh, ứng xử văn minh du lịch.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2020- 2025: 100% các loại hình du lịch phát triển theo hướng bền vững, lồng ghép chặt chẽ vấn đề đảm bảo môi trường du lịch với việc xây dựng các chương trình hành động, chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch; 100% các khu, điểm du lịch công cộng, các bãi tắm công cộng, điểm dừng chân… được bố trí thùng rác; 100% các khách sạn được hướng dẫn, triển khai Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13.5.2019 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; 100% các cơ sở ăn uống (không thuộc khách sạn), cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm được hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch theo Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL; 100% người làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến du lịch được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về du lịch bền vững, đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch…

Giai đoạn 2025-2030: 100% cơ sở dịch vụ được bồi dưỡng, phổ biến về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh du lịch; 100% khách sạn, khu điểm du lịch thực hiện đảm bảo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 100% các cơ sở ăn uống (không thuộc khách sạn), cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm thực hiện Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch theo Quyết định số 1066/ QĐ-BVHTTDL.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường thích ứng với BĐKH để từng bước xây dựng nền Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;Phú Yên đã xác định Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm trong tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng biến đổi khí hậu khó lường hiện nay. Theo đó, trên cơ sở những chỉ đạo, chính sách và định hướng lớn của Trung ương, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi xanh, để qua đó các cấp chính quyền và địa phương đã triển khai nhiều hành động và giải pháp, bước đầu mang lại nhiều kết quả quan trọng

Ngay sau khi Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt, cùng với thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã ban hành 05 chương trình hành động và 07 Quyết định, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, Bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng. Các sở, ban, nghành, địa phương của tỉnh đã nỗ lực hiện thực hóa Chương trình hành động và Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

du-lich-bien-2.jpg
Khai thác du lịch từ việc bảo vệ rừng dừa ở Quảng Ngãi

Tích cực bảo vệ hệ sinh thái biển ở Quảng Ngãi: Là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển với đường bờ biển dài hơn 130km, song những năm gần đây, sinh kế của người dân ven biển gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ven biển và đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản dần giảm sút. Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Điển hình như tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã thành lập tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Qua đó, thành viên tổ tự quản vừa giám sát, vừa tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ, có ý thức trong khai thác rong mơ và các nguồn lợi từ biển khác. Tiếp sau đó, mô hình này tiếp tục nhân rộng sang xã Bình Hải, một địa phương ven biển khác của huyện Bình Sơn.

Tại xã Bình Hải, từ năm 2016 đến nay, 5 tổ tự quản bảo vệ tài nguyên và môi trường biển tại 5 thôn Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Phước Thiện, An Cường và Thanh Thủy đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuần tra, nhắc nhở người dân bảo vệ đá san hô, đá đen, rong mơ, cát biển. Nhờ vậy, những mảng rong mơ dọc theo bờ biển Bình Sơn phát triển tốt, thu hút nhiều loài hải sản đến sinh sống và sinh sản, góp phần phục hồi hệ sinh thái biển ven bờ.

Cùng với việc bảo vệ hệ sinh thái biển, công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cũng được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng. Theo bà Đỗ Thị Thu Đông- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, muốn phát triển bền vững sinh kế biển, phải bảo vệ được đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Mỗi năm, ngành thuỷ sản tỉnh đều tổ chức các đợt thả cá, tôm cua ở rừng ngập mặn và hồ, biển để tái tạo nguồn lợi. Vào tháng 4/2022, Chi cục đã thả hơn 500.000 tôm sú, 6.000 cua xanh và 5.000 cá đối xuống khu vực mặt nước thuộc Bàu Cá Cái nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hiện nay, đầm nước mặn vùng cửa sông ven biển Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cũng đang được quản lý và trồng phục hồi bởi Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam tài trợ, được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi thực hiện từ năm 2016 đến nay với diện tích trên 100ha.

Cùng tham gia bảo vệ rừng ngập mặn Bàu Cá Cái người dân ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn hiểu hơn ai hết về lợi ích của việc bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho người dân thụ hưởng. Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, người dân còn bắt đầu khai thác du lịch tham quan rừng ngập mặn.

Mới đây, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Qũy Môi trường toàn cầu và UBND huyện Bình Sơn tổ chức Lễ khởi động dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa”. Dự án được kỳ vọng cộng đồng địa phương các xã, thị trấn đặc biệt là các thôn tham gia trực tiếp thực hiện các mô hình dự án sẽ bảo vệ môi trường và được hưởng lợi từ các hoạt động dự án, tiếp cận học tập các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật thông qua hỗ trợ đào tạo huấn luyện, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Chuyên gia tư vấn dự án, PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng nhóm Nghiên cứu và Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Sư Phạm Đà Nẵng chia sẻ, kết quả những nghiên cứu gần đây đã cho thấy Bình Sơn có sự hiện diện của hệ sinh thái rừng dừa nước ở xã Bình Phước và hệ sinh thái rừng cóc trắng ở xã Bình Thuận, cũng như bãi đá lộ thiên địa chất hàng triệu năm tuổi được hình thành từ phun trào núi lửa, kèm với các sinh cảnh rạn san hô, thảm cỏ biển tạo sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng nguồn lợi ở xã Bình Hải. Đây là những thuận lợi để tạo sinh kế bền vững nếu tài nguyên được khai thác hợp lý và bền vững.

“Một trong những cân bằng lâu bền và hiệu quả nhất là hài hòa giữa mối quan hệ bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy văn hóa truyền thống, sinh kế địa phương và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng tham gia góp ý quy chế quản lý không gian biển và ven bờ Bình Sơn, bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa, chung tay góp phần phát triển bền vững địa phương”- ông Minh cho biết.

Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, tái chế chất thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh tổ chức, phối hợp với hơn 9 cơ quan, Hội, đoàn thể của tỉnh tập trung tuyên truyền xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại, tuần hoàn tái sử dụng rác thải với giải pháp rác hữu cơ và sản xuất nước tẩy rửa sinh học, giảm thiểu sử dụng đồ nhựa khó phân hủy dùng 01 lần.

Sở đã chủ động ký kết phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên xây dựng nội dung, phát sóng và đăng tin các hoạt động, chuyên đề tuyên truyền định kỳ, thường xuyên. Đồng thời, tích cực hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường góp phần thực hiện thành công chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Tăng cường tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch quan trắc môi trường, giám sát chất lượng nguồn thải khí, nước thải, đặc biệt là giám sát nguồn thải từ đất liền, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, giám sát rác thải nhựa…

Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 16/11/2021 của UBND tỉnh Phú Yên về việc Phê duyệt Đề án Trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 đã thu hút hơn 18 cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia và đến nay, kết quả triển khai thực hiện Đề án trồng khoảng 9.392.606 cây, đạt tỷ lệ 62,62%.

Theo số liệu tổng hợp, tính đến Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 46,55% (theo Quyết định công bố hiện trạng rừng của UBND các huyện, thị xã, thành phố) tăng so với năm 2020 là 45,09%, năm 2021 là 46,25%; Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 48% theo kế hoạch.

Với đường bờ biển dài hơn 105 km đi qua các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Thuận Nam, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã giúp Ninh Thuận có lợi thế rất lớn về phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, khu vực ven biển là nơi tập trung đông dân cư nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản, buôn bán tại các cảng cá, chợ hải sản rất lớn. Chính vì vậy, tỉnh chú trọng triển khai việc quản lý, thu gom xử lý rác thải, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Điển hình, bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) từng là một trong những “điểm nóng” phải hứng chịu lượng rác rất lớn từ hoạt động sản xuất nuôi trồng hải sản và du lịch. Để bãi biển thoát khỏi tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh đã ban hành riêng một đề án quản lý, xử lý rác thải bền vững ở khu vực này với các giải pháp bảo vệ môi trường biển mang tính đột phá như: Ban hành quy chế bảo vệ môi trường biển, lắp lưới chắn rác tại bãi tắm để ngăn rác từ ngoài biển trôi dạt vào bờ, giao công ty thu gom rác thải nghiên cứu, đầu tư triển khai mô hình tàu thu gom rác trên biển, chế tạo xe sàng cát thu gom rác trên bờ biển.

Đối với các lồng bè nuôi thủy sản tự phát án ngữ trên vịnh Phan Rang, tỉnh hướng dẫn người dân di chuyển về vùng nuôi theo đúng quy hoạch. Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, lập lại trật tự hàng quán ven biển, Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền người dân và khách du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhờ đó, đến nay, khu vực bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã giảm hẳn tình trạng rác thải, môi trường biển ngày càng trong sạch hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch trên địa bàn đang tác động tới chất lượng môi trường tự nhiên và xã hội. Theo đánh giá, công tác đảm bảo môi trường tại một số điểm du lịch chưa được đảm bảo, rác thải tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bãi biển vẫn còn; một số hoạt động của con người đã tác động đến rạn san hô, nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển. Ngoài ra, ý thức ứng xử văn minh du lịch còn hạn chế; công tác phối hợp quản lý nhà nước về đảm bảo môi trường du lịch giữa các cơ quan liên quan chưa thường xuyên, liên tục nên tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển du lịch bền vững, hướng đến xây dựng hình ảnh "Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn", UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, Ninh Thuận phấn đấu 100% khu, điểm du lịch công cộng, điểm dừng chân... được bố trí các thùng rác và phân loại chất thải phát sinh theo quy định; 100% khu, điểm du lịch hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch được hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật đạt 100%.

Đến năm 2030, có 95% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy; 100% cơ sở ăn uống, cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm thực hiện Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tỉnh phấn đấu 100% cơ sở dịch vụ du lịch được bồi dưỡng, phổ biến về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt được mục tiêu trên, đề án đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng tham gia phát triển du lịch thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; triển khai mô hình điểm như cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo môi trường, nhà vệ sinh đạt chuẩn du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường góp phần phát triển bền vững du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.

Ninh Thuận cũng phát động phong trào, chương trình khuyến khích các đối tượng tham gia đề xuất sáng kiến đảm bảo môi trường trong du lịch; vận động nhân dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cộng đồng trong đảm bảo môi trường du lịch nhất là tại nơi công cộng, bãi biển, thu gom rác thải tại nơi sinh sống để giữ gìn vệ sinh chung. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, duy trì và phát huy đặc tính tốt đẹp của con người Ninh Thuận trong ứng xử văn minh, thân thiện, tận tình hỗ trợ khách du lịch.

Đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch, Ninh Thuận khuyến khích, ưu tiên dự án có giải pháp khả thi, cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường, đặc biệt là môi trường du lịch biển nhằm mang lại hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội ở vùng ven biển. Ninh Thuận khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch một cách bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch biển ở Duyên hải Nam Trung bộ (Bài 3): Hài hòa với công tác bảo vệ môi trường