Quảng Nam: Sản xuất nước rửa chén từ rác thải hữu cơ

Gia Hân|20/07/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vỏ trái cây, sả, quả bồ hòn… được Cơ sở phục hồi tài nguyên (gọi tắt là MRF) ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp (TP.Hội An) sử dụng để sản xuất thành nước rửa chén không độc hại, góp phần bảo vệ môi trường.

Cơ sở phục hồi tài nguyên ở Bãi Ông, xã Tân Hiệp vận hành vào tháng 4/2021 với 4 thành viên, do UBND Tân Hiệp trực tiếp quản lý. Cơ sở có diện tích khoảng 50m2.

Mỗi ngày các thành viên của cơ sở có nhiệm vụ thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên đảo Cù Lao Chàm. Cũng tại đây, nhiều loại rác thải hữu cơ, vô vơ, khó tái chế được chế biến thành nhiều loại vật dụng hữu ích như nước rửa chén, ván ép, phân compost... Đặc biệt, hiện nay cơ sở đã và đang hướng dẫn người dân tận dụng rác thải hữu cơ để sản xuất nước rửa chén khá thành công.

san-xuat-nuoc-rua-chen-1.jpg
Sau 3 tháng ủ lên men, rác thải hữu cơ thành nước rửa chén tự nhiên

Bà Lê Thị Thành (56 tuổi, thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) một trong những hộ dân sản xuất thành công nước rửa chén ở đảo Cù Lao Chàm. Bà Thành cho biết, trước đây bà thường mua nước rửa chén về dùng vừa tốn kém, lại hay bị ăn da tay.

Năm 2021, bà được hướng dẫn về quy trình sản xuất nước rửa chén từ rác thải hữu cơ, bà đã thử làm và bước đầu đem lại thành công như mong đợi.

“Để có nguyên liệu làm nước rửa chén, tôi đến các hộ gia đình ở địa phương để xin rác thải hữu cơ để về sản xuất nước rửa chén. Đầu tiên tôi ủ ra được 10 lít nước rửa chén, dùng được 2 - 3 tháng. Do nước rửa chén tự sản xuất nên không độc hại, có mùi thơm rất dễ chịu, vừa tiết kiệm được tiền mua nước rửa chén hàng tháng” – bà Thành chia sẻ.

Bà Lê Thị Thu Thủy – đại diện của Cơ sở phục hồi tài nguyên chia sẻ, nguyên liệu sản xuất nước rửa chén dễ tìm kiếm trong tự nhiên như đường cát, vỏ trái cây có tinh dầu, bồ hòn, nước… các nguyên liệu này được pha trộn theo tỷ lệ phù hợp và ủ trong vòng 3 tháng sẽ cho ra nước rửa chén.

“Mô hình được thành lập nhằm giảm thiểu rác thải rắn tại địa phương, tiết kiệm chi phí xử lý rác. Đồng thời xây dựng mô hình để các hộ gia đình học tập làm phân bón hữu cơ tại nhà, cũng như nâng cao kỹ năng phân loại rác thải tại nguồn” – bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, đối với rác vô cơ, khó tái chế như túi ni lông, vỏ sò, ốc, hộp xốp cũng sẽ được phân loại chuyển vào nhà máy rác tái chế thành tấm ván ép hoặc đưa lên nhà máy rác ở Eo Gió (tại Cù Lao Chàm) để chôn lấp, đảm bảo hợp vệ sinh. Nhiều loại rác vườn, nhà bếp khác sẽ được tận dụng ủ làm phân compost để bón cho cây xanh…

Được biết, mô hình MRF thuộc dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn” tổ chức triển khai thí điểm tại hai xã Tân Hiệp và Cẩm Thanh.

san-xuat-nuoc-rua-chen.jpg
Nhiều loại rác thải khác được phân loại và tái chế thành vật dụng hữu hiệu

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Hiệp (TP.Hội An) cho biết, tháng 4/2020 chính quyền xã phối hợp với đơn vị Evergreen Labs, Ban quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng các hạng mục của mô hình như khu nhà phân loại và chứa rác thải, khu vực làm phân compost, khu vực xử lý nước đa dụng từ vỏ trái cây, trồng hoa và trồng cây xanh mặt bằng xung quanh, lắp đặt các bảng hướng dẫn, thông tin về mô hình...

Từ khi vận hành đến nay, mô hình xử lý rác thải MRF đã thu gom, phân loại và xử lý hơn 952.94kg rác các loại, trong đó 28.85kg rác vô cơ, 516.3kg rác hữu cơ, 17.31kg rác tái chế.

“Khác với mô hình xử lý rác thải tại xã Cẩm Thanh, MRF tại xã Tân Hiệp được xây dựng bằng các vật liệu tái chế từ rác nhựa thấp cấp và phân thành 4 ngăn lớn thu gom các loại rác hữu cơ, vô cơ, tái chế và rác nguy hại” – vị lãnh đạo này nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Sản xuất nước rửa chén từ rác thải hữu cơ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.