Thừa Thiên Huế “siết chặt” việc xây dựng trang trại kết hợp phát triển điện mặt trời

Quốc Lợi|28/01/2021 01:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước tình trạng “trang trại điện mặt trời” phát triển ồ ạt tại Thừa Thiên Huế, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các sở cùng các huyện, thị xã và TP.Huế tăng cường quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trong trang trại trên địa bàn tỉnh.

Ngày 26/1, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ban hành Công văn 695/UBND-CT yêu cầu tăng cường quản lý việc xây dựng trang trại kết hợp phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện một số dự án trang trại kết hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không tuân thủ quy định. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo đúng quy định tại văn bản của Bộ Công Thương.

Sở Công thương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động điện lực trên địa bàn, yêu cầu việc phát triển hoạt động điện lực phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch liên quan. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế chỉ thực hiện ký kết mua điện đối với các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật.

Đối với Sở TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao, cho thuê và quản lý, sử dụng đất của các trang trại.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trang trại trên địa bàn theo thẩm quyền.

Chính quyền cấp huyện, xã phải định kỳ kiểm tra các chủ trang trại có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà về việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định; tăng cường phối hợp với Sở Công thương về quản lý, giám sát các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo công tác an toàn điện, an toàn công trình, phòng cháy chữa cháy…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lưu ý, Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo các điều kiện kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng được đề nghị công khai khả năng giải tỏa công suất các tuyến đường dây, trạm biến áp; giải quyết thủ tục đăng ký, thỏa thuận đấu nối một cách công khai, minh bạch, theo trình tự thời gian đăng ký và đúng quy định.

Hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời  được lắp đặt dày đặc trên diện tích đất trang trại

Qua kiểm tra của UBND huyện Quảng Điền, tại vùng trang trại rú cát của 3 xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh hiện có 4 dự án trang trại gắn với công trình điện mặt trời, với tổng diện tích sử dụng xây dựng công trình liên quan đến phát điện khoảng 6,5 ha. Như vậy, mỗi dự án trang trại có diện tích lắp pin mặt trời áp mái rộng bình quân hơn 1 ha. Tuy nhiên, có những khu trang trại đã sử dụng từ 2 đến gần 3 ha đất sản xuất nông nghiệp làm mặt bằng lắp pin năng lượng mặt trời.

Theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Về đất làm trang trại, theo quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013, đất được xây dựng trang trại là loại đất nông nghiệp khác và do địa phương quản lý theo thẩm quyền. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của trang trại. Đất trang trại là đất nông nghiệp, khi muốn làm điện mặt trời trên mái thì sẽ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Việc hình thành các khu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp như đề án trình với cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn mờ mịt. Các khu trang trại “điện mặt trời” hầu hết do các doanh nghiệp gắn mác “công nghệ xanh” đứng tên.

Đề cập về các khu trang trại có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp khung nhà trên địa bàn, đại diện UBND huyện Quảng Điền, cho biết, chủ đầu tư khai báo, trình bày phương án là trồng rau màu, còn họ có sản xuất đúng đề án, làm theo công nghệ gì, thị trường tiêu thụ ra sao… thì vẫn phải chờ xem.

Tuy nhiên, ngày 22/9/2020, Bộ Công Thương đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời áp mái. Bộ Công Thương dẫn chiếu các quy định hiện hành và khẳng định điện mặt trời mái nhà phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập.

Do đó, các công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp khác muốn tham gia đầu tư vào điện mặt trời mái nhà phải có mái. Trong đó, mái nhà phù hợp với công năng, loại hình trang trại. Như vậy, các hệ thống pin mặt trời được lắp đặt trên khung dàn sẽ không được công nhận là điện mặt trời áp mái.

Quốc Lợi

Bài liên quan
  • Tận dụng mặt hồ làm điện mặt trời
    Moitruong.net.vn – Theo ý kiến các chuyên gia, hệ thống thủy lợi và hồ thủy điện của Việt Nam ở khắp mọi nơi, việc tận dụng mặt nước để làm điện mặt trời sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế “siết chặt” việc xây dựng trang trại kết hợp phát triển điện mặt trời