Môi trường xã hội

Tinh hoa Tết cổ truyền Việt Nam: Giá trị trường tồn với thời gian

Minh Thư 01/02/2025 17:00

Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Tết cổ truyền, là dịp lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Hàng năm, mỗi độ xuân về, hàng triệu người Việt lại háo hức chuẩn bị đón chào một năm mới với những phong tục và nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc. Đây không chỉ là dịp đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch âm mà Tết còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về mặt tinh thần, là dịp để con người hòa mình vào thiên nhiên, gắn kết tình thân và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Nguồn gốc của tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền). Đây là dịp Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân - thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.

Tết Nguyên đán có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với chu kỳ canh tác nông nghiệp ở Đông Á, bắt nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước và chịu ảnh hưởng từ các yếu tố lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa.

capture(17).png
Không khí ngày Tết

Người xưa tổ chức lễ hội vào đầu xuân để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo sử sách, Tết Nguyên đán của người Việt được hình thành từ thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ I). Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, người Việt tiếp thu các yếu tố của lễ hội đầu năm như lịch âm, tục dâng lễ, cúng tổ tiên, và biến đổi thành lễ tết riêng biệt. Tuy nhiên, người Việt luôn giữ những nét độc đáo như bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả và các nghi lễ thờ cúng đặc trưng.

Nguyên nghĩa của tết chính là “tiết”. Ngày xưa, theo chu kỳ canh tác nông nghiệp, một năm thời gian được phân chia thành 24 tiết khí khác nhau, ứng với mỗi tiết khí có một thời khắc “giao thừa”, trong đó tiết khí quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là tiết Nguyên đán sau này gọi là tết Nguyên đán.

“Nguyên” nghĩa là khởi đầu, “Đán” nghĩa là buổi sáng sớm. Tên gọi Tết Nguyên đán thể hiện ý nghĩa chào đón buổi bình minh của năm mới, mở đầu chu kỳ thời gian mới. Vì thế theo tín ngưỡng và tâm linh thì đây là dịp tưởng nhớ tổ tiên, cúng ông Công ông Táo và cầu mong bình an cho gia đình. Chính vì mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc nên thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của Tết còn là thời điểm để xua đuổi tà khí, chào đón điều may mắn, biểu hiện qua các phong tục như đốt pháo, xông đất và chúc Tết.

Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ.

Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.

Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Mỗi độ Tết đến Xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, niềm nhớ gia đình, quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.

Nhắc đến Tết là nhắc đến những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mỗi người, mỗi gia đình, thậm chí là những bước đường lịch sử của dân tộc. Vì thế Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.

Một số phong tục đặc trưng của tết Nguyên đán Việt Nam

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, giao thừa và tân niên.

Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: Đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp; Gói bánh chưng, bánh tét; trưng đào, mai, quất; trưng mâm ngũ quả; thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; cúng giao thừa; xông đất; chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; xuất hành đầu năm; lễ chùa đầu năm; hái lộc đầu xuân…

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp lễ hội mà còn là nét văn hóa đặc trưng, phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm trong đó mâm ngũ quả ngày Tết dâng cúng trên bàn thờ gia tiên dịp Tết cũng là một trong những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của người Việt.

capture(18).png
Gói bánh chưng, gói giò ngày Tết

Những phong tục mang tính linh thiêng đó đều nhằm cầu mong cho sự tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe trong năm mới. Bên cạnh những phong tục linh thiêng ngày Tết, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: Hội đánh vật, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu và nhiều trò chơi dân gian khác…, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác.

Ý nghĩa chính của Tết cổ truyền

Sau một năm làm việc xa cách, Tết là thời điểm mọi người trong gia đình sum họp, con cháu trở về quê hương, thăm hỏi ông bà, cha mẹ nên Tết mang ý nghĩa đoàn viên và gắn kết gia đình, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc ấm áp.

Qua các nghi thức thờ cúng và dâng lễ vật để con cháu tưởng nhớ tổ tiên hay tục xông đất, hái lộc, lì xì,.. thì Tết cũng là dịp để người Việt giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tết còn hướng tới một sự khởi đầu của một chu kỳ mới mang theo hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn và các hoạt động cảm tạ trời đất, cúng bái tổ tiên, Tết còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh.

Tết không chỉ là dịp sum họp của từng gia đình mà còn là cơ hội để tăng cường tình cảm hàng xóm láng giềng qua các hoạt động chung như chợ Tết, lễ hội đầu năm, xông đất, chúc Tết nên có ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Bài liên quan
  • Tết Cổ truyền - Nét đẹp văn hóa lắng đọng hồn núi sông của người Việt
    Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chỉ diễn ra trong vài phút song với mỗi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền còn có ý nghĩa của sự đoàn viên, sum họp và gặp gỡ. Hơn thế, các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền còn hàm chứa những triết lý nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã sáng tạo, vun đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tinh hoa Tết cổ truyền Việt Nam: Giá trị trường tồn với thời gian
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.