Bánh chưng xanh giữ trọn hương vị ấm áp ngày Tết cổ truyền

Vy Anh|09/02/2024 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của Tết cổ truyền dân tộc. Chiếc bánh chưng gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Tết cổ truyền trong mỗi người dân đất Việt sao thiếu được những dư vị thân quen: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn để cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.

Biết bao câu chuyện, giá trị truyền thống cùng những kỷ niệm đẹp được tái hiện trong quá trình các bậc cao niên hướng dẫn con trẻ gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng nhớ như in những hình ảnh thuở bé háo hức Tết đến nhường nào. Đó là không khí rộn ràng được xem ông bà, bố mẹ gói bánh chưng, là con trẻ quây quần bên bếp lửa ấm hồng trông nồi luộc bánh. Đó có lẽ là những dư vị Tết đẹp nhất trong tâm thức của biết bao người mỗi khi Tết đến Xuân về.

banh-chung-xanh.jpg
Bánh chưng xanh đậm đà hương vị Tết cổ truyền

Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên. Hình ảnh ông bà, các bậc cao tuổi ngồi hướng dẫn con cháu gói bánh chưng gợi lên biểu tượng gia đình sum vầy, đầm ấm, một cảm xúc rạo rực đến nao lòng.

Trước Tết khoảng hai, ba ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng để đến ngày 30 Tết cả nhà quây quần trước sân, cùng lau lá, đãi đỗ, vo gạo, ướp thịt và gói bánh. Nhưng có lẽ vui nhất là công đoạn nấu bánh và chờ bánh chín, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt lợn và gia vị tiêu thơm cay, muối đậm đà... đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chiếc bánh được tạo nên bởi bao tâm sức, tình cảm và niềm hy vọng. Trước tiên, bánh chưng dùng để dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc suôn sẻ và sau đó là cả nhà sẽ cùng nhau sum vầy thưởng thức. Bánh chưng nhà làm còn để biếu tặng người thân, bạn bè - những người mà mình yêu thương, trân quý.

Vì bánh chưng chứa đựng giá trị truyền thống của dân tộc nên hoạt động gói bánh được nhiều gia đình coi trọng, gìn giữ. Đó cũng chính là dịp để hướng dẫn và nhắc con cháu những bài học trân quý, những giá trị sống sâu sắc.

Gói bánh chưng vào dịp tết Nguyên đán đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà đều gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.

“Bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ/ Cành mai vàng bên cành đào tươi”, câu nói ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi và đi sâu vào tâm thức của mỗi người Việt khi Tết đến, Xuân về. Chính vì vậy, ngày cuối năm là lúc mỗi nhà cùng nhau sum vầy gói bánh chưng, bởi bánh chưng là linh hồn của Tết cổ truyền Việt Nam.

Bài liên quan
  • Làng bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp những ngày cuối năm
    Moitruong.net.vn – Những ngày này, trên con đường vào làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại nhộn nhịp làm bánh chưng đón Tết. Nhà nào cũng ngập sắc xanh của lá dong, mùi thơm và bùi của đậu xanh, thịt lợn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng xanh giữ trọn hương vị ấm áp ngày Tết cổ truyền