Việc khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức ở TPHCM đã, đang và sẽ dẫn đến hàng loạt hệ quả xấu cho hạ tầng, môi trường, sức khỏe.

Theo kết quả phân tích các chỉ số hóa lý, vi sinh của nguồn nước giếng khoan được các hộ dân sử dụng trong sinh hoạt trên toàn thành phố cho thấy tất cả đều không đạt. Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Công tác kiểm soát chất lượng nước được HCDC thực hiện định kỳ từ năm 2005 và hàng tháng đều lấy mẫu giám sát nước sinh hoạt của người dân gồm nước sinh hoạt trên mạng lưới nước do SAWACO (Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) cấp và nước sinh hoạt do các hộ dân tự khai thác.

nuoc-gieng-khoan.jpg
Ảnh minh họa

Việc giám sát được thực hiện 2 mẫu mỗi tháng đối với tất cả các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Tiêu chuẩn xét nghiệm được áp dụng theo Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Kết quả giám sát chất lượng nước đều được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thống kê hàng tháng.

Theo bà Nga, trong năm 2021, tổng số mẫu nước sinh hoạt từ nước giếng khoan được lấy là 160 mẫu. Kết quả cho thấy có đến 98% mẫu xét nghiệm đều không đạt chỉ tiêu pH, Clo dư. Đây là 2 chỉ tiêu cơ bản đánh giá về hóa đối với nước sinh hoạt. Đối với vi sinh có khoảng 15% số mẫu không đạt.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022 qua lấy 22 mẫu nước giếng sinh hoạt giám sát thì có đến 100% đều không đạt chỉ tiêu về pH, và Clo dư; 15,8 % mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh.

Đặc biệt, tỷ lệ nước giếng khoan không đạt chỉ tiêu về hóa lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Đặc biệt chỉ số Clo dư không đạt sẽ để lại hậu quả trước mắt là những bệnh về đường ruột. Đây là vấn đề mà người dân cần biết để thay dần thói quen sử dụng nước giếng khoan làm nước sinh hoạt.

Thực tế, việc khai thác nước ngầm không phép là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Theo quy định, nếu khai thác tràn lan nguồn nước ngầm không theo quy định sẽ bị xử lý vì làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước ngầm trái phép.

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM, nguồn tài nguyên nước không là vô hạn, hiện nay ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch ngày càng trầm trọng, nếu không bảo vệ nước ngầm, trong tương lai các đô thị lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Thực tế, tại TPHCM, nhiều quận, huyện có đến vài chục ngàn giếng khoan. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền về hậu quả, chất lượng nước ngầm đến người dân là vô cùng cần thiết. Việc tuyên truyền phải đồng bộ và chế tài xử phạt nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm sử dụng nước giếng khoan tại các khu vực ô nhiễm; ngành tài nguyên môi trường cần thực hiện đề án hỗ trợ chi phí trám lấp giếng khoan. Thực tế, khi có sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành liên quan, thực trạng khai thác nước ngầm tràn lan như hiện nay mới sớm được giải quyết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Cấp bách bảo vệ nước ngầm