Tuyến đường sắt Bắc-Nam: Hơn 130 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cần được kiên cố hóa

Phong Anh|25/07/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù ngành đường sắt đã triển khai một số dự án gia cố, bền vững các công trình đường sắt song đến thời điểm hiện tại trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn còn 132 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt trượt ta luy; xói lở nền đường; xói lở chân khay, tứ nón mố công trình cầu cống hoặc ngập úng đường ray trong mùa mưa bão cần được kiên cố hóa.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, do đặc thù tuyến đường sắt quốc gia đi qua nhiều khu vực đồi núi, biến đổi khí hậu trong khi tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, vì vậy nhiều vị trí trên tuyến đường sắt thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt, ngập lụt đường sắt trong mùa mưa bão. Thời gian vừa qua, ngành đường sắt đã có một số dự án gia cố, bền vững các công trình đường sắt như: Bền vững cơ sở hạ tầng miền Trung; kiên cố hóa đường sắt Bình Định - Khánh Hòa; gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân…

24-dg-sat.png
Kiểm tra hiện trạng hầm số 14 (hầm Liên Chiểu) đường sắt qua đèo Hải Vân

Tuy nhiên, toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện vẫn đang tồn tại 132 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng trong mùa mưa bão, cần được kiên cố hóa. Các vị trí xung yếu này dàn trải trên phạm vi rộng, có nguy cơ sạt trượt ta luy; xói lở nền đường; xói lở chân khay, tứ nón mố công trình cầu cống hoặc gây ngập nước đường ray.

Để khắc phục, hàng năm các đơn vị quản lý đường sắt trên địa bàn chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai theo quy định; tăng cường theo dõi, kiểm tra, chốt gác vào mùa mưa bảo.

Tuy nhiên, theo Cục Đường sắt, để đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão, cần tiến hành rà soát phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các vị trí, công trình xung yếu để kiên cố hóa kết cấu hạ tầng đường sắt và triển khai thực hiện trong kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm.

Trước đó, báo cáo Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tổng công ty đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó sự cố và cứu nạn trong hoạt động GTVT đường sắt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trong đó, đã tổng hợp các vị trí xung yếu để tăng cường theo dõi, kiểm tra, chốt gác nhằm đảm bảo hoạt động GTVT đường sắt luôn thông suốt, an toàn trong mùa mưa bão.

Xây dựng kịch bản đối với một số tình huống thiệt hại thường hay xảy ra trong mùa mưa, bão và các giải pháp ứng phó, khắc phục để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, hiện trên toàn mạng lưới hiện còn tồn tại hàng nghìn vị trí xung yếu. Đặc biệt, có 12 hầm xung yếu, trên tổng số 39 hầm của toàn bộ mạng lưới đường sắt; có 465 cầu xung yếu trên tổng số 1.862 cầu của toàn bộ mạng lưới.

Về cống, có 876 cống xung yếu trên tổng số 4.368 cống của toàn bộ mạng lưới. Cùng đó là 182 công trình kiến trúc nhà ga xung yếu trên tổng số 303 công trình kiến trúc và 720 công trình đường chính, đường ga, ghi, đường ngang xung yếu…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tuyến đường sắt Bắc-Nam: Hơn 130 điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cần được kiên cố hóa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.