XEM VIDEO: Người dân khốn khổ sống trong ô nhiễm do các mỏ đá và trạm bê tông Asphalt gây ra
Nhiều năm kêu cứu vì ô nhiễm
Nhiều hộ dân ở ấp Tân Sơn và xóm Núi, tổ 1, ấp Tân Lễ B, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ bức xúc phản ánh với PV Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn về tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa đến tính mạng từ các mỏ đá, trạm trộn bê tông Asphalt đang “hành” dân từ nhiều năm qua nhưng không được các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm. Gặp chúng tôi, người dân nơi đây như được trút hết những nỗi bức xúc vì nhiều năm qua họ đang phải “sống mòn” vì ô nhiễm.
Người dân bức xúc trước tình trạng khai thác đá và sản xuất bê tông asphalt gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của họ vô cùng khổ cực
Bà Th – 67 tuổi nhà cách khu chế biến đá Lệ Nguyên và trạm trộn Asphalt của công ty công trình giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu 200m với giọng gấp gáp: “Bao nhiêu năm nay rồi, cả xóm này đã đồng loạt làm đơn hàng chục lần gửi ra xã rồi nhưng có giải quyết được gì đâu. Kiến nghị sang các mỏ đá họ nói người dân không có quyền, bụi đất cát thì bay đầy nhà. Vừa qua, tiếp xúc cử tri người dân cũng ra xã, sau đó xã có vào kiểm tra nhưng có giải quyết được gì đâu, mỗi khi trạm trộn bê tông nhựa hoạt động bụi bay mù mịt và mùi nhựa khét lắm. Chúng tôi ao ước mong muốn di dời các trạm trộn bê tông và các mỏ đá này đi nơi khác để người dân đỡ khổ”.
Trong quá trình chế biến đá các cơ sở khai thác đá không có biện pháp xử lý nên bụi bay mù trời
Cùng nỗi bức xúc, ông Trần Văn Hợp người dân ấp Tân Sơn cho biết: “Thực tế về khói bụi, với con mắt người thường chúng tôi đã thấy quá ô nhiễm rồi, nếu mang máy móc đến đo bụi, tiếng, ồn phải vượt hàng mấy trăm lần. Nhà báo ngồi đây thấy đó xe chạy ầm ầm, đường đất đá rơi vãi vô tội vạ, con cháu chúng tôi đi học xe chở vật liệu lao nhanh phải tự lủi vào lề đường, cháu nào yếu tay lái thì bị té, người già đi đâu cũng phải chở, chứ đi bộ không dám đi. Những mỏ đá này hoạt động vừa ồn, vừa khói và bụi, còn trạm trộn Asphalt đã khói còn mùi khét, mỗi khi trạm trộn Asphalt hoạt động người dân ở đây đều phải đóng hết cửa lại, đêm hôm các đơn vị này làm không có giờ giấc vô tổ chức chạy ầm ầm suốt đêm. Mong Báo Môi trường và Cuộc sống thông tin đưa những ý kiến người dân tới lãnh đạo các cấp của tỉnh để xử lý và di dời các đơn vị này đi nơi khác, để người dân ổn định cuộc sống”.
Xe trọng tải lớn vào “ăn” đá chạy rầm rập cuốn theo bụi khiến cây cối 2 bên đường không còn sự sống
“Ngày nào cũng vậy bụi từ các mỏ đá và mùi nhựa đường khét, hôi lắm, hít các bụi này vào trẻ con bị phổi, người lớn còn ho sặc sụa, ở trong này người dân đã đề nghị nhiều rồi nhưng chẳng thấy ăn thua gì, đâu vẫn hoàn đó, nhà cửa ngày nào cũng phải lai mấy lần nhưng vẫn không hết bụi. Đấy nhà báo nhìn xem các cửa phải đóng kín hết, mà đóng vào thì ngột ngạt mà mở ra thì bụi, mỗi khi các mỏ đá nổ mìn là rung chuyển hết nhà luôn, ảnh đang treo trên tường rơi cả xuống đất, bụi bặm lắm. Ngoài ra, các mỏ đá và trạm trộn nhựa đường có tưới đường đâu, sáng ra xe chạy bụi lùm lên, người dân nói các mỏ đá bên trong phải tưới đường nhưng chẳng tưới được bữa nào, xe cứ chạy mù mịt và chạy rất nhanh chiếm hết cả đường dân đi. Dân chúng tôi đã kiến nghị lên cơ quan môi trường và có về thực tế nhưng có giải quyết được gì đâu, đến nay các mỏ đá và trạm trộn Asphalt hoạt động ngày một rầm rộ hơn”. Bà Nguyễn Thị Thuấn người dân cho biết.
Trạm bê tông asphalt cũng thi nhau nhả khói và bụi ra môi trường đe doạ sức khoẻ của người dân
Theo tìm hiểu, trên địa bàn ấp Tân Sơn và ấp Tân Lễ B, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ hiện có 2 đơn vị khai thác đá: mỏ đá Phú Sơn, mỏ đá Lương Cơ; 02 công ty chuyên chế biến đá đó là công ty Trường Minh và Công ty Lệ Nguyên. Ngoài ra, còn 02 trạm trộn bê tông Asphalt của Công ty công trình giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu và trạm trộn công ty Tân Thịnh
02 trạm trộn bê tông Asphalt của Công ty công trình giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu và trạm trộn công ty Tân Thịnh cũng không có biện pháp bảo vệ môi trường nên đã gây nhiều hệ luỵ cho người dân
Dẫn phóng viên đi thực tế, theo ghi nhận của PV ở các điểm mỏ, khu chế biến đá, trạm trộn Asphalt nhiều phương tiện trọng tải lớn mặc sức tung hoành ra vào, đứng từ phía nhà dân cách khu vực nghiền đá 200m, là những làn khói bụi mù mịt từ các mỏ đá, trạm trộn bê tông Asphalt. Bất kì ai về đây đều chứng kiến cảnh các cây cối, hoa màu xác sơ vì bụi, nhà nào nhà nấy cũng phải đóng cửa kín mít, nền nhà, quần áo phơi phủ kín bụi đá, trắng xóa.
Đá rơi vãi ra đường tạo thành một lớp dày, tiềm ẩn tai nạn, đe doạ tính mạng người tham gia giao thông
Ngoài ô nhiễm về bụi, người dân nơi đây còn phải sống chung với tiếng ồn “đinh tai nhức óc” từ các mỏ đá, những tiếng ồn chát chúa này đã tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân suốt nhiều năm qua. Các tuyến đường đi qua đá rơi lả tả, nguyên nhân do các xe quá tải vận chuyển đá chạy nhanh, không được che chắn, khiến đá rơi vãi ra đường gây bụi bặm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và các cháu bé mỗi khi đến trường.
Mặc dù, nhà của người dân thường xuyên đóng kín của nhưng bụi đá vẫn len lỏi vào nhà
Bụi bám trắng xoá, cây cối không còn màu xanh
Tiếp tục đi sâu vào khu chế biến đá của xí nghiệp đá Lương Cơ, công ty Lệ Nguyên, công ty Trường Minh, trạm trộn bê tông Asphalt của công ty công trình giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu và trạm trộn Asphalt công ty Tân Thịnh. Tại đây, tất cả các đơn vị này khi hoạt động đều không có biện pháp xử lý bụi, tiếng ồn chát chúa, các xe ra vào “ăn đá”, chở bê tông Asphalt đi lại bay bụi mịt mù, khu nghiền đá không có hệ thống dập bụi. Tại 02 trạm trộn bê tông Asphalt của công ty công trình giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu và công ty Tân Thịnh đang hoạt động hết công suất, mùi khét lẹt và bụi trắng xóa liên tục được xả ra, hít phải mùi nhựa đường của trạm trộn chúng tôi cảm thấy tức ngực, rất khó thở. Không những vậy tại đây, nhiều điểm mỏ xảy ra tình trạng khai thác theo vách đứng, không đúng với thiết kế mỏ, công nhân làm việc tại mỏ không sử dụng bảo hộ lao động…
Chính quyền vô cảm với cuộc sống người dân?
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do các đơn vị khai thác, chế biến đá và trạm bê tông Asphalt gây ra đối với cuộc sống của người dân ấp Tân Sơn và xóm Núi, tổ 1, ấp Tân Lễ B, xã Châu Pha trong nhiều năm qua, chúng tôi cảm giác những tiếng kêu cứu của người dân nghèo nơi đây đang đi vào tuyệt vọng. Không được cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm giải quyết.
Trong quá trình khai vận chuyển đá, các mỏ đá không có biện pháp xử lý môi trường, nhưng không hiểu sao chính quyền và các cơ quan chức năng của thị xã Phú Mỹ và tỉnh Bà rịa – Vũng tàu vẫn nhắm mắt làm ngơ?
Đem những nỗi bức xúc vì ô nhiễm của người dân tới trao đổi với ông Lê Thanh Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Pha, chúng tôi thật bất ngờ với cách trả lời có phần vô cảm của lãnh đạo chính quyền nơi đây.
Theo ông Lâm – Phó Chủ tịch xã cho biết: “Từ khi giữ chức Phó chủ tịch từ 2015 đến nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mặt trận tổ quốc là cơ quan tổng hợp các ý kiến của cử tri đều không nhận được ý kiến, kiến nghị của người dân ấp Tân Sơn và người dân xóm Núi, tổ 1, ấp Tân Lễ B, xã Châu Pha về các mỏ đá, trạm trộn hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Qua phản ánh của nhà báo, chúng tôi sẽ rà soát lại xem ý kiến của cử tri nào rồi thuộc về chức năng, thẩm quyền của địa phương tới đâu sau đó sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thị xã để kiểm tra, xử lý các đơn vị nếu phát hiện vi phạm về môi trường”. Tiếp tục trao đổi với PV, ông Lâm cũng thừa nhận việc các đơn vị khai thác, chế biến đá và trạm trộn Asphalt hiện nay hoạt động có gây bụi.
Mặc dù, người dân kiến nghị rất nhiều lần về tình trạng các mỏ đá, trạm trộn bê tông asphalt gây ô nhiễm môi trường nhưng ông Lê Thanh Lâm – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Pha lại khẳng định không nhận được kiến nghị của người dân?
Trao đổi với PV Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắm – Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết: Trước đây các doanh nghiệp làm họ có điều kiện làm đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, khi hoạt động các đơn vị phải thực hiện đúng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, trước những thông tin của nhà báo (ngày 13/12 – PV), sang tuần tôi sẽ đích thân về làm việc với xã để nắm tình hình cụ thể, nếu quả thực các đơn vị hoạt động gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thị xã sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.”
Để các doanh nghiệp trên địaa bàn hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhiều năm khiến người dân vô cùng bức xúc, trách nhiệm của lãnh đạo thị xã Phú Mỹ và sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến đâu trong công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo.
Hải Phong – Phương Nam