Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai

Hoàng Thơ|28/08/2024 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với 83% hộ gia đình đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó thiên tai, Việt Nam trở thành hình mẫu cho các quốc gia chịu rủi ro trước biến đổi khí hậu.

Theo khảo sát của Gallup, công ty phân tích và tư vấn hàng đầu của Mỹ, các nước Đông Nam Á dẫn đầu thế giới về mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, có thể trở thành mẫu hình để các quốc gia chịu tác động từ biến đổi khí hậu noi theo.

ss-khan-cap-185156_855-192429.jpg

Theo khảo sát, bốn quốc gia đứng đầu thế giới về việc có tỉ lệ hộ gia đình đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó thiên tai cao nhất, lần lượt là Philippines 92%, Việt Nam 83%, Campuchia 81% và Thái Lan 67%.

Như vậy, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai và cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình thế giới là 35%.

Theo Gallup, sự sẵn sàng này đến từ việc nước ta trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, có mức độ phục hồi cao và đầu tư vào việc quản lý rủi ro thiên tai. Vì vậy, Việt Nam có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia chịu rủi ro trước biến đổi khí hậu.

Minh chứng là ngay trong đợt mưa lớn vừa qua, chỉ riêng tại Yên Bái, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai có hơn 13.000 người tham gia, lực lượng dự bị là 62.000 người. Việc chuẩn bị những phương án phòng chống là rất cần thiết khi nước ta, đặc biệt là Trung Bộ dự báo sẽ có mưa bão dồn dập trong 3 tháng tới do ảnh hưởng của La Nina.

lu.jpg
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai.

Những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong công tác phòng ngừa thiên tai ở Đông Nam Á trong những năm gần đây, trong đó Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Dựa trên số liệu khảo sát rủi ro của Gallup, sự phối hợp giữa các quốc gia Đông Nam Á đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, với cách tiếp cận toàn khu vực, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường sự tham gia và hợp tác của cộng đồng, tiếp cận tài chính phòng chống thiên tai. Qua đó chứng tỏ, ngay cả các quốc gia với nguồn lực hạn chế cũng có thể tận dụng hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm và trang bị cho các gia đình khả năng ứng phó thiên tai.

Ông Benedict Vigers, cố vấn nghiên cứu của Gallup, khẳng định với báo chí thế giới: “Sự thành công của Đông Nam Á trong việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai có thể liên quan đến việc khu vực này thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, khả năng phục hồi tương đối cao của khu vực, từ cá nhân đến toàn xã hội, cùng cách tiếp cận và đầu tư của khu vực vào quản lý rủi ro thiên tai nói chung”.

Ông thông tin thêm, khu vực Đông Nam Á nằm dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương, một vành đai bất ổn địa chất dài 40.000 km, bao gồm 75% núi lửa của Trái đất và sản sinh ra 90% trận động đất.

Trong tương lai gần, các nguy cơ về môi trường như bão lớn, lũ lụt, cháy rừng và hạn hán sẽ ngày càng bắt buộc các quốc gia phải tập trung vào việc đảm bảo rằng công dân của mình được chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về khả năng sẵn sàng ứng phó thiên tai