Việt Nam nỗ lực hành động để chấm dứt bệnh lao

Châu Anh|24/03/2021 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mỗi năm hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới, chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Bệnh lao vẫn là “kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do bệnh lao hàng năm trên toàn cầu.

Ảnh minh họa

Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 11 về số người mắc lao cao. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Hằng năm số tử vong do lao tại Việt Nam khoảng hơn 12.000 người, chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Mỗi năm hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới, chưa được phát hiện, báo cáo trong cộng đồng. Tỉ lệ điều trị khỏi được duy trì ở mức trên 90% đối với bệnh nhân lao mới, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Cả nước có 99 bệnh viện chuyên khoa đủ khả năng áp dụng hiệu quả cao các kỹ thuật mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới trên thế giới về phát hiện, điều trị bệnh nhân lao. Mạng lưới này đã phủ kín đến tận các xã, phường, thôn bản. Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học, bệnh lao đã cơ bản được khống chế, tiên lượng điều trị tốt, nếu người bệnh hợp tác và tuân thủ phác đồ điều trị đến hết liệu trình.

Ngay khi phát hiện mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám xét cẩn thận và chẩn đoán chính xác.

Việc điều trị lao phải được tiến hành ngay, càng sớm càng tốt. Điều trị lao được thực hiện ở tất cả bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến trung ương. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được cấp miễn phí. Vì vậy, người bệnh lao đừng ngần ngại mà phải đi khám và điều trị ngay tức khắc. Thuốc điều trị lao là chung trên toàn quốc, phác đồ điều trị là chung trên toàn quốc. Vì vậy người bệnh không nên quan niệm cứ phải tuyến trung ương điều trị thì mới khỏi bệnh lao. Quan trọng hơn cả chính là ở việc bệnh nhân có tuân thủ phác đồ điều trị hay không.

Theo giới chuyên môn, điều đáng lo ngại nhất trong việc phát hiện, điều trị bệnh nhân lao hiện nay đó là do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên việc phát hiện bệnh nhân mắc lao đang có xu hướng giảm mạnh, ước tính tới 11%. Bên cạnh đó, tỉ lệ bỏ điều trị liên tục ở mức cao (15,3%). Hiện Việt Nam hiện vẫn là nước có bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước về có số người bệnh lao và có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 là một trong những nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Việt Nam cũng đã có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh với việc thành lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Việt Nam đã xây dựng được chiến lược nghiên cứu và các ưu tiên quốc gia về nghiên cứu và đổi mới. Việt Nam có những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu đã được tiến hành và hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ và được đăng tải trên những tạp chí mạnh nhất trên thế giới, được WHO coi là một nước đi đầu trong triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.

Châu Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nỗ lực hành động để chấm dứt bệnh lao